Cổ phiếu Apple kéo chứng khoán Mỹ giảm điểm
Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (7/9), khi cổ phiếu Apple bị bán tháo sau tin về lệnh hạn chế iPhone ở Trung Quốc...
Một báo cáo khả quan về việc làm đẩy cao mối lo về lạm phát dai dẳng và lãi suất cao hơn lâu hơn, đưa đồng USD tăng giá và khiến giá dầu sụt giảm.
Lúc đóng cửa, S&P 500 giảm 0,32%, còn 4.451,14 điểm. Nasdaq giảm 0,89%, còn 13.748,83 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones tăng phiên này, với mức tăng nhẹ 0,17%, chốt ở 34.500,73 điểm.
Apple, một cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hoá lớn trong S&P 500, giảm 2,9%, đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp do thông tin nói rằng Trung Quốc đã mở rộng quy định hạn chế sử dụng iPhone trong hàng ngũ công chức nhà nước, yêu cầu cán bộ công nhân viên chức tại một số cơ quan chính phủ trung ương không mang iPhone tới công sở hay sử dụng iPhone cho mục đích công việc. Hãng Bloomberg đưa tin rằng Trung Quốc có kế hoạch mở rộng lệnh cấm iPhone này tới các doanh nghiệp quốc doanh và cơ quan nhà nước khác.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của Apple, đóng góp 18% trong tổng doanh thu 394 tỷ USD của “táo khuyết” trong năm ngoái.
Cú sụt của cổ phiếu Apple khiến công ty mất khoảng 200 tỷ USD vốn hoá trong 2 ngày, theo hãng tin CNBC. Cùng với Apple, cổ phiếu các nhà cung ứng của hãng, và cổ phiếu các công ty công nghệ Mỹ có sự hiện diện lớn ở Trung Quốc đồng loạt giảm, khiến nhóm công nghệ trọng S&P 500 giảm 1,6%, trở thành nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính.
Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 2/9 giảm còn 216.000 đơn, mức thấp nhất kể từ tháng 2. Đây là một tin kinh tế khả quan, cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn trụ vững trong môi trường lãi suất cao. Tuy nhiên, nhà đầu tư tiếp tục xem tin tốt như tin xấu, vì cho rằng nền kinh tế còn vững đồng nghĩa áp lực lạm phát còn dai dẳng và sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ - một nhân tố gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu.
“Số liệu thất nghiệp hàng tuần là thông tin quan trọng của ngày hôm nay, nhưng tin tốt lại bị coi là tin xấu. Và nhà đầu tư không thể ngó lơ thông tin liên quan đến Apple từ Trung Quốc”, Giám đốc Sahak Manuelian của Wedbush Securities nhận định với hãng tin Reuters.
Số liệu kinh tế Mỹ được thị trường đặc biệt quan tâm sắp tới là các báo cáo lạm phát của tháng 8, dự kiến công bố vào tuần tới. Theo ông Manuelian, một phần do giá dầu tăng mạnh gần đây, “nhà đầu tư đang ít nhiều lo sợ rằng lạm phát có thể tăng trở lại”.
Dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME cho thấy khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9 đã tăng lên mức 93%, nhưng khả năng Fed “án binh bất động” trong cuộc họp tháng 11 chỉ ở mức 53,5% - cho thấy nhà đầu tư vẫn lo Fed sẽ nâng lãi suất thêm một lần vào tháng 11.
“Rất khó để Fed thiết lập được một trạng thái chính sách tiền tệ thắt chặt vừa đủ, để vừa chống được lạm phát mà không gây ra đổ vỡ trong nền kinh tế. Đây là một việc rất khó nhưng không phải là không thể làm được”, chiến lược gia trưởng Craig Fehr của công ty Edward Jones nhận định.
Vào thời điểm phiên giao dịch gần kết thúc, Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams nói việc liệu chính sách tiền tệ đã đủ thắt chặt để đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng hay chưa vẫn là “một câu hỏi còn để mở”. “Chúng tôi đã đạt được một vị thế tốt về chính sách, nhưng vẫn cần phải dựa trên các dữ liệu kinh tế sắp tới”, ông Williams phát biểu.
Xu thế giảm của cổ phiếu hãng xe điện Việt Nam VinFast vẫn duy trì. Mã VFS niêm yết trên sàn Nasdaq kết thúc phiên ngày thứ Năm với mức giảm 6,51 USD/cổ phiếu, tương đương giảm 26,57%, còn 17,99 USD/cổ phiếu. Giá trị vốn hoá thị trường của công ty còn gần 41,8 tỷ USD, sau khi lập đỉnh trên 190 tỷ USD vào cuối tháng trước.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,68 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, còn 89,92 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,67 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, còn 86,67 USD/thùng.
Sau gần 2 tuần tăng nhờ mối lo về sự thắt chặt nguồn cung do Saudi Arabia và Nga gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng, giá dầu đang có dấu hiệu đuối sức trở lại vì triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu, nhất là kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Trước phiên giảm này, giá dầu WTI đã tăng liền 9 phiên và giá dầu WTI tăng không nghỉ suốt 7 phiên.
Ngoài yếu tố cung-cầu, giá dầu còn đang bị chi phối bởi diễn biến tỷ giá đồng USD. Bạc xanh tăng giá mạnh đã gây áp lực giảm lên “vàng đen”.
“Giá dầu thô đang chịu sức ép điều chỉnh do tỷ giá USD lập đỉnh cao mới của 10 tháng”, Phó chủ tịch Dennis Kissler của BOK Financial nhận định.
Phiên ngày thứ Năm, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đạt mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, đẩy đồng yên Nhật xuống thấp nhất 10 tháng, đồng euro và bảng Anh xuống mức thấp nhất 3 tháng.