Chứng khoán Mỹ tiếp tục trượt dốc vì nỗi lo lãi suất, giá dầu giữ đà tăng
Triển vọng lãi suất “cao hơn lâu hơn” thường gây áp lực nhiều nhất lên các cổ phiếu tăng trưởng...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (6/9), dẫn đầu là chỉ số Nasdaq với mức giảm hơn 1%, sau khi số liệu tốt hơn dự báo về lĩnh vực dịch vụ đẩy cao mối lo rằng lạm phát dai dẳng sẽ dẫn tới lãi suất cao hơn lâu hơn. Giá dầu tiếp tục đi lên do lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung khi Saudi Arabia và Nga gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 198,78 điểm, tương đương giảm 0,57%, còn 34.443,19 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,7%, còn 4.465,48 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,06%, còn 13.872,47 điểm.
Báo cáo từ Viện Quản lý nguồn cung (ISM) cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ tăng lên mức 54,5 điểm vào tháng trước, vượt xa kỳ vọng là mức 52,5 điểm. Một chỉ số đo giá dầu vào của các doanh nghiệp dịch vụ cũng tăng.
Sự tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ có thể dẫn tới sự dai dẳng của lạm phát, nhất là lạm phát lõi, đặt ra khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn. Các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 93% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào ngày 20/9, trong khi khả năng lãi suất được giữ nguyên trong cuộc họp tháng 11 là khoảng 57% - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của CME Group.
“Số liệu mạnh hơn dự báo về lĩnh vực dịch vụ cho thấy nhà đầu tư không giỏi lắm về đoán định các số liệu kinh tế sau đại dịch”, Giám đốc đầu tư Carol Schleif của công ty BMO nhận định với hãng tin Reuters. Trong khi thị trường hy vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất, bà Schleif cho rằng nền kinh tế còn mạnh và lạm phát sẽ không giảm “nhanh tới mức đủ để Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong tương lai gần”.
Cũng trong ngày thứ Tư, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston Susan Collins nhấn mạnh Fed cần thiết phải “hành động cẩn trọng” trong các động thái chính sách tiền tệ tiếp theo.
Triển vọng lãi suất “cao hơn lâu hơn” thường gây áp lực nhiều nhất lên các cổ phiếu tăng trưởng. Điều này thể hiện rõ trong phiên ngày thứ Năm, với một chỉ số đo giá cổ phiếu tăng trưởng thuộc S&P 500 đuối sức so với chỉ số chính trong suốt phiên giao dịch. Mối lo lãi suất cao cũng được phản ánh qua việc nhà đầu tư bán mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ, đẩy lợi suất của các kỳ hạn 10 năm và 2 năm tăng.
“Giá cổ phiếu tăng trưởng vốn dĩ đang phản ánh kỳ vọng rằng lạm phát đã được khống chế và Fed sẽ giảm lãi suất. Nếu ý tưởng này không được duy trì, cổ phiếu tăng trưởng sẽ hứng tổn thất”, nhà quản lý danh mục Patrick Kaser của công ty Brandywine Global nói với Reuters.
Giá dầu tăng phiên thứ 9 liên tiếp trong phiên ngày thứ Tư, càng làm đậm thêm mối lo lạm phát.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, công nghệ là nhóm giảm mạnh nhất phiên này, với mức giảm 1,4%. Nhóm tiện ích “khoẻ” nhất, tăng 0,2%, tiếp đến là nhóm năng lượng với mức tăng 0,1%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,56 USD/thùng, chốt ở 90,6 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,85 USD/thùng, chốt ở 87,54 USD/thùng.
Thị trường dầu thô đang đồn đoán rằng lượng dầu tồn kho của Mỹ sẽ tiếp tục giảm vì nguồn cung dầu toàn cầu siết chặt hơn nữa trong những tháng cuối năm, khi hai “ông lớn” là Saudi Arabia và Nga ra hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện cho tới hết tháng 12.
“Nguồn cung dầu ở Mỹ đang khá thấp. Lượng dầu tồn kho đã giảm nhiều tuần liên tiếp, góp phần đẩy giá dầu tăng”, Giám đốc phụ trách mảng thị trường năng lượng tương lai của Mizuho, ông Bob Yawger, nhận định.
Theo dự báo, báo cáo tuần này của Bộ Năng lượng Mỹ sẽ cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 5,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 1/9.
Vào hôm thứ Ba tuần này, Saudi Arabia và Nga gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu thêm 3 tháng, thay vì gia hạn thêm 1 tháng như kỳ vọng của thị trường. Kế hoạch của Saudi Arabia là giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày, còn Nga giảm 300.000 thùng/ngày. Các kế hoạch cắt giảm sản lượng này nằm ngoài thoả thuận giảm sản lượng kéo dài đến cuối năm 2024 của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.
Riyadh và Moscow cho biết sẽ rà soát tình hình thị trường và đưa ra quyết định hàng tháng về việc tăng hay giảm mức độ cắt giảm sản lượng dầu.