Cổ phiếu thép đạt đỉnh, sếp và người nhà chốt lời thu về tiền tỷ
Nhân lúc giá cổ phiếu ngành thép đạt đỉnh lịch sử, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cùng người nhà bán ra hàng triệu cổ phiếu, thu về cả trăm tỷ đồng...
Sau khi chính thức được đưa ra khỏi diện cảnh báo, thuận chiều với giá thép, cổ phiếu TLH của Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên tăng mạnh kể từ đầu tháng 3 và liên tiếp cán mốc lịch sử. Chốt phiên sáng 14/5, thị giá TLH 19.850 đồng, tăng 350% so với thời điểm đầu năm, đà tăng của TLH mạnh nhất so với các doanh nghiệp thép cùng ngành.
Nhân lúc TLH tăng mạnh, từ ngày 11/3 đến ngày 30/3, ông Nguyễn Vũ Lê, cha ruột của ông Nguyễn Vũ Hồng Anh (Thành viên HĐQT TLH) đã hoàn tất bán ra 4,87 triệu cổ phiếu TLH, mục đích để mua nhà. Chiểu theo giá TLH thời điểm đó, ước tính ông Vũ Lê đã thu về 53 - 59 tỷ đồng.
Mới đây nhất, ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH và TM Đại Phúc, công ty con của TLH, đồng thời là anh trai ruột của bà Phạm Thị Hồng (TGĐ Thép Tiến Lên) đăng ký bán ra 25.444 cổ phiếu, không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của TLH. Thời gian thực hiện từ ngày 18/5 đến 29/5 thông qua phương thức khớp lệnh. TLH hiện đang giao dịch ở mức giá 19.850 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo giá này thì ông Đức có thể thu về 505 triệu đồng.
Bà Đào Thị Kim Loan, Tổng giám đốc Công ty CP Thép Bắc Nam (một công ty liên kết của TLH), là chị gái chồng của bà Phạm Thị Hồng TGĐ TLH cũng vừa đăng ký bán ra 7.930 cổ phiếu giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 0,065% thông qua phương thức khớp lệnh. Thời gian dự kiến giao dịch từ 20/5 đến 29/5. Nếu tạm tính theo mức giá này, bà Loan có thể thu về gần 157 triệu đồng.
Báo cáo tài chính mới công bố cho thấy, tháng 4 vừa qua, TLH đạt doanh thu 779.4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 115.3 tỷ đồng. Luỹ kế 4 tháng đầu năm, TLH đạt lợi nhuận 235 tỷ đồng. Năm 2021 TLH đặt mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng tăng 25% so với thực hiện 2020, lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng cao gấp 3,2 lần thực hiện năm trước. Như vậy, sau 4 tháng Công ty đã thực hiện được 94% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tại Công ty CP Thép Nam Kim (NKG), bà Trần Ngọc Diệu, Phó tổng giám đốc NKG vừa hoàn tất bán ra 1 triệu cổ phiếu từ ngày 6/5 đến 10/5. Sau giao dịch, bà Diệu vẫn còn nắm giữ 286.966 cổ phiếu NKG, tương ứng tỷ lệ sở hữu 0,17%. Cùng với khoản thời gian mà bà Diệu giao dịch NKG tăng liên tiếp từ ngày 6/5 và đạt kịch trần vào 10/5 đạt 32.100 đồng/cổ phiếu, nếu tính theo mức giá này, bà Diệu đã thu về 32,1 tỷ đồng.
Tính qua 1 quý, thị giá của NKG đã bật tăng gấp đôi và tiếp tục tăng 10% trong vòng 1 tuần trở lại đây. Đà tăng của NKG được hỗ trợ bởi sự giá thép tăng chóng mặt trong suốt thời gian vừa qua. Kết thúc quý 1/2021, NKG đạt 4.861 tỷ doanh thu, tăng gấp đôi so với con số 2.459 tỷ cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế NKG thu về gần 319 tỷ, cao gấp 7,7 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi kỷ lục theo quý của Công ty từ trước đến nay.
Tại Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), ông Hoàng Đức Hoàng, em trai ruột của Phó tổng giám đốc Hoàng Đức Huy đăng ký bán ra toàn bộ số 11.820 cổ phiếu từ ngày 20/4 đến ngày 19/5. HSG đã tăng liên tiếp từ 20/4 đến hôm nay đạt 37.350 đồng/cổ phiếu, tăng 19% và đây là vùng đỉnh lịch sử của HSG. Tạm tính theo mức giá này thì ông Hoàng có thể thu về 441,4 triệu đồng. Tính từ đầu năm, HSG đã bật tăng 76%.
Về kết quả kinh doanh, quý 1/2021, sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen đạt 542.532 tấn, tăng 65% so cùng kỳ; doanh thu đạt 10.846 tỷ đồng, tăng 88% so cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 1.035 tỷ đồng, tăng 415% so cùng kỳ.
Hoà chung không khí leo dốc của cổ phiếu ngành thép, cổ phiếu POM của Công ty CP Thép Pomina đã tăng 41% kể từ đầu năm đến nay, thị giá hiện tại 19.200 đồng/cổ phiếu. Trong giai đoạn POM bay cao, nhiều người nhà của lãnh đạo ồ ạt bán ra giảm tỷ lệ sở hữu. Ngày 4/2, bà Đỗ Diệu Huyền, con gái của Chủ tịch HĐQT Đỗ Xuân Chiều đã bán ra toàn bộ 849 triệu cổ phiếu. Thị giá POM thời điểm đó là 13.290 đồng, như vậy, bà Huyền có thể đã thu về 11,3 tỷ đồng.
Thời điểm đó, con trai của ông Chiều là Đỗ Đức Chung cũng bán ra toàn bộ 478 triệu cổ phiếu, thu về khoảng 6,6 tỷ đồng.
Không riêng gì người nội bộ, cổ đông lớn nhất của POM là Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Thép Việt đã hoàn tất bán ra 2,2 triệu cổ phiếu POM từ ngày 8/4 đến 7/5. Công ty TNHH TM & SX Thép Việt đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 51.9% tại Pomina. Ngày 10/05 vừa qua, Thép Việt tiếp tục thông báo bán ra gần 1,09 triệu cổ phiếu POM nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư. Các giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 13/05-11/06 sắp tới.