13:46 12/06/2007

Cổ phiếu “trong tầm ngắm” sụt giá

Lan Ngọc

Nhiều cổ phiếu giảm giá là bình thường, nhưng với BMC phiên giao dịch ngày 12/6 là một hiện tượng

Thông tin về việc xét giá của Ủy ban Chứng khoán có thể đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư đang găm giữ cổ phiếu BMC - Ảnh: TP.
Thông tin về việc xét giá của Ủy ban Chứng khoán có thể đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư đang găm giữ cổ phiếu BMC - Ảnh: TP.
Nhiều cổ phiếu giảm giá là bình thường, nhưng với BMC phiên giao dịch ngày 12/6 là một hiện tượng.

Một dòng chảy ngược mang tên BMC đã diễn ra trên sàn Tp.HCM, khá bất thường khi cổ phiếu này vừa có chuỗi tăng kịch trần trong suốt thời gian qua.

Kết thúc phiên giao dịch, BMC dẫn đầu thị trường về mức sụt giảm, kịch sàn với -28.000 đồng/cổ phiếu, còn 547.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau chuỗi tăng kịch trần liên tiếp từ ngày 21/5, ngày giao dịch không hưởng quyền, giá BMC bất ngờ giảm mạnh. Đáng chú ý là lượng bán ra ồ ạt so với những phiên giao dịch “hàng hiếm” quen thuộc; dư mua không còn.

Vì sao có hiện tượng này? Có phải đó là sự điều chỉnh cho một mức giá quá nóng sốt, là sự hài lòng bán ra kiếm chênh lệch lớn của nhà đầu cơ? Nhưng câu trả lời đang được thị trường tập trung theo dõi là công văn của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSTC) báo cáo với Ủy ban Chứng khoán về sự tăng giá chóng mặt của cổ phiếu này.

Dự kiến, trên cơ sở báo cáo của HOSTC, Ủy ban sẽ phân tích những nguyên nhân chính đẩy giá cổ phiếu này tăng vọt trong thời gian qua, nhân diện các giao dịch và tìm hiểu có hiện tượng thao túng giá hay không...

Thông tin về việc xét giá của Ủy ban Chứng khoán có thể đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư đang găm giữ cổ phiếu BMC. Lượng bán ra mạnh mẽ phiên này có thể là phản ứng khá tức thời với những lo ngại trong ngắn hạn.

Cổ phiếu BMC của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bình Định niêm yết ngày 28/12/2006 với giá khởi điểm là 50.000 đồng/cổ phiếu. Trong ngày 21/5, giá cổ phiếu này đã lên tới 847.000 đồng/cổ phiếu, tạo một mức giá kỷ lục khó đánh đổ trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sau ngày thực hiện chia tách, giá cổ phiếu này tiếp tục tạo một chuỗi tăng kịch trần nóng bỏng. Đây cũng là nguyên do để Ủy ban Chứng khoán xem xét đến như một hiện tượng.

Tương tự, trong diện xét giá lần này, cổ phiếu TCT của Công ty Cổ phần Cáp treo Tây Ninh cũng là một hiện tượng tăng khá nóng với trên 30 phiên tăng liên tiếp, đặc biệt là những mức tăng mạnh trong những phiên gần đây.

TCT chào sàn ngày 6/12/2006 với giá 49.000 đồng/cổ phiếu. Còn mức giá qua phiên hôm nay là 406.000 đồng/cổ phiếu, tăng kịch trần với +19.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, có một cổ phiếu khác được một số nguồn tin đề cập đến cũng nằm trong “tầm ngắm” là SGH của Công ty Cổ phần Khách sạn Sài Gòn. Không độc diễn như BMC hay TCT trong thời gian qua nhưng SGH cũng đang có những mức tăng giá chóng mặt, đặc biệt trong khoảng một tuần trở lại đây. Phiên này SGH tiếp tục có thêm 9.000 đồng/cổ phiếu và đạt tới 191.000 đồng/cổ phiếu.

Liệu sau phiên này, những thông tin về việc xét giá được bàn luận trên sàn hôm nay có dẫn tới khả năng TCT hay SGH giảm giá trong những phiên tới?

Trở lại với phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm 4,21 điểm, còn 1.036,54 điểm, giá trị giao dịch khớp lệnh vẫn ở mức thấp với 556,3 tỷ đồng. Nhưng diễn biến trên sàn đã có thay đổi, số mã tăng giá đã lớn hơn với 45 mã so với 41 mã giảm.

Phiên này, ngoài BMC giảm đầu bảng, các cổ phiếu như DMC, NAV, SDN cùng sụt giảm từ 2.500 – 4.000 đồng/cổ phiếu. Riêng SJD thực hiện ngày giao dịch không hưởng quyền để chia cổ tức và phát hành thêm cổ phiếu với giá mới là 47.500 đồng/cổ phiếu...