Cổ phiếu VPB bất ngờ bùng nổ, thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ
Giữa cơn lũ giảm giá ở đa số cổ phiếu tụt giá chiều nay, VPB đi ngược dòng xuất sắc, thậm chí vượt qua cả GAS lẫn VNM. Tuy nhiên đốm sáng lẻ loi như vậy không thay đổi được thực trạng của một phiên điều chỉnh giảm...
Giữa cơn lũ giảm giá ở đa số cổ phiếu tụt giá chiều nay, VPB đi ngược dòng xuất sắc, thậm chí vượt qua cả GAS lẫn VNM. Tuy nhiên đốm sáng lẻ loi như vậy không thay đổi được thực trạng của một phiên điều chỉnh giảm.
VN-Index lao dốc trọn phiên chiều và đóng cửa dưới tham chiếu 4,48 điểm tương đương 0,35%. Đáng quan ngại là độ rộng rất hẹp, với 124 mã tăng/338 mã giảm.
Rổ VN30 cũng suy yếu nghiêm trọng, chỉ còn 6 mã tăng/23 mã giảm. So với giá cuối phiên sáng, cả rổ chỉ có 3 mã tăng cao thêm là VJC, VRE và VPB, trong đó duy nhất VPB là tăng trên tham chiếu. 27/30 mã tụt giá ở rổ blue-chips hòa chung với hàng trăm mã trên sàn HoSE phản ánh áp lực giảm giá đã loang rộng.
VPB là cổ phiếu gây bất ngờ nhất khi đi ngược xu hướng của toàn bộ phần còn lại. Phiên sáng VPB cũng khá mạnh, tăng 1,16%, nhưng hai nhịp leo dốc chiều nay đẩy giá có lúc tăng 5,82%. Dù cuối phiên có chốt lời, VPB vẫn chốt trên tham chiếu 3,99%.
Tuy vốn hóa không quá lớn đối với VN-Index, nhưng mức tăng mạnh cũng đưa VPB lên vị trí số 1 ở nhóm kéo điểm. Khoảng 1,4 điểm được VPB cộng cho VN-Index phần nào giảm thiệt hại cho chỉ số này. Với VN30-Index, VPB là trụ lớn, nên điểm cộng tới 4 điểm. Thanh khoản tới gần 746 tỷ đồng chỉ trong buổi chiều, VPB ghi nhận đột biến giao dịch với 31,77 triệu cổ tương ứng 978,4 tỷ đồng, cao nhất kể từ tháng 4/2022. Mức thanh khoản này tăng 136% so với trung bình 20 phiên gần nhất.
Sức mạnh của VPB với gần 4 điểm cộng vào VN30-Index càng làm nổi bật sự yếu ớt của phần còn lại trong rổ này, khi chỉ số đóng cửa vẫn giảm 5 điểm, tương đương 0,38%. Độ rộng rất hẹp cộng với nhiều trụ giảm sâu đã gây sức ép đáng kể. HDB giảm 2,05%, HPG giảm 1,66%, CTG giảm 1,74%, VHM giảm 1,64%. VIC, VCB, TCB, BID, GVR cũng đảo chiều từ tăng thành giảm cuối ngày.
Số tăng vừa ít, vừa bị co hẹp biên độ. GAS cuối phiên sáng tăng 3,69% thì chiều nay trượt dốc liên tục và chốt phiên chỉ còn tăng 1,67%. Như vậy riêng buổi chiều GAS bốc hơi khoảng 1,95% giá trị. Nhóm còn đóng cửa trên tham chiếu như VNM, SAB, SSI, PLX cũng tụt giá so với buổi sáng.
Độ rộng thu hẹp rất nhanh chiều nay tiếp tục cho thấy áp lực bán hạ giá gia tăng. Chốt phiên sáng VN-Index vẫn còn 192 mã tăng/224 mã giảm nhưng kết phiên chỉ còn 124 mã tăng/338 mã giảm. Buổi sáng số giảm trên 1% mới có 50 mã, sang chiều lên tới 135 mã. Đáng chú ý hơn là chiều nay thanh khoản tăng vọt 36% so với buổi sáng, đạt 8.697 tỷ đồng, mức cao nhất 6 phiên. Thanh khoản tăng, mặt bằng giá hạ xuống thấp hơn, đó chỉ có thể là kết quả của áp lực bán gia tăng ở ngưỡng giá thấp.
Dĩ nhiên ngay cả khi thị trường tệ nhất, vẫn sẽ có những cổ phiếu ngược dòng. Ngoài VPB, hôm nay còn có một số mã giao dịch khá tích cực như DXG tăng 1,22% với thanh khoản 335,9 tỷ đồng; PVD tăng 4,21% với 248,3 tỷ đồng; CII tăng 1,63% với 188,1 tỷ; BAF tăng 4,33% với 168,8 tỷ, VIX tăng 1,74% với 167,2 tỷ đồng... Tuy nhiên các cổ phiếu này không mang tính đại diện cho nhóm ngành và càng không thay đổi được trạng thái giảm. Chẳng hạn trên toàn thị trường có 44 cổ phiếu đạt thanh khoảng trên 100 tỷ đồng phiên này, thì chỉ có 13 cổ phiếu tăng giá.
Nhờ các trụ còn nâng đỡ giảm thiệt hại, VN-Index hôm nay chỉ mất 4,48 điểm và cả tuần vẫn tăng 6,85 điểm, xác lập tuần tăng thứ 6 liên tiếp. Đây là nhịp tăng khá dài, thậm chí là dài kỷ lục kể từ đầu năm 2021. Tuy vậy chỉ số chỉ là một khía cạnh biểu hiện chung của xu hướng, còn cổ phiếu thì đã suy yếu khá nhiều.