14:16 06/12/2023

Còn hơn 5.700 tỷ vốn phải giải ngân, Thanh Hóa mở "chiến dịch" thần tốc

Nguyễn Thuấn

Thời gian còn lại của năm 2023 không còn nhiều, vì vậy Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu các ngành, các địa phương cần phải ưu tiên và đặt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công lên hàng đầu, với phương châm thần tốc, quyết liệt....

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra tiến độ các công trình trên địa bàn
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra tiến độ các công trình trên địa bàn

Ngày 05/12/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. 

Tại hội nghị, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa là 14.924,312 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa phân bổ, giao kế hoạch là 14.894,418 tỷ đồng, bằng 99,8% kế hoạch cho 296 chương trình, nhiệm vụ và dự án. Trong đó, phân bổ cho 93 dự án đã hoàn thành, bao gồm 35 dự án đã hoàn thành có quyết toán và 58 dự án hoàn thành chưa có quyết toán được duyệt; 120 dự án chuyển tiếp; 65 dự án khởi công mới; 18 dự án chuẩn bị đầu tư. 

"ĐIỂM DANH" NHIỀU CHỦ ĐẦU TƯ GIẢI NGÂN ĐẠT THẤP

Đến ngày 25/11/2023, giải ngân vốn năm 2023 (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) của tỉnh này được 9.181 tỷ đồng, bằng 61,5% KH (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023), tuy thấp hơn 3,9% so với cùng kỳ , song cao hơn 2,03% so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước.

Trong tổng số 94 chủ đầu tư, đơn vị được giao vốn năm 2023, có 73 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức giải ngân trung bình của cả tỉnh (có 38 chủ đầu tư, đơn vị đã giải ngân đạt 100% kế hoạch); 18 chủ đầu tư, đơn vị giải ngân dưới mức giải ngân trung bình của cả tỉnh; 3 chủ đầu tư chưa giải ngân.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Thanh Hóa
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Thanh Hóa

Các chủ đầu tư giải ngân đạt dưới mức giải ngân trung bình của cả tỉnh cũng được “điểm danh” như: Sở Giao thông - Vận tải; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa. Ở cấp huyện có UBND các huyện Ngọc Lặc, Nga Sơn, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Mường Lát, Thường Xuân, Thạch Thành...

"CHIẾN DỊCH" THẦN TỐC

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa cũng chỉ ra từng nhóm hạn chế, khó khăn, vướng mắc cụ thể làm chậm tiến độ giải ngân của tỉnh này như: Nhóm hạn chế, khó khăn và vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách; nhóm hạn chế, khó khăn và vướng mắc liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; nhóm hạn chế, khó khăn và vướng mắc mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2023.

Cụ thể, như quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng 2% so với năm 2022 và tăng 35,7% so với năm 2021; trong khi năm 2023, ngoài việc điều hành kế hoạch vốn năm của các dự án đã có trong kế hoạch trung hạn, phải tập trung đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn của các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (chiếm 6,2% tổng nguồn của cả tỉnh), các dự án sử dụng vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 (chiếm 16,2%), gây áp lực cho việc giải ngân vốn…

Cùng với đó, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng cũng được báo cáo nêu rõ. Tính đến đến ngày 25/11/2023, còn 23 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất (trong đó có 22 dự án đã lựa chọn được nhà thầu và đang thi công). Đặc biệt, đến ngày 4/12/2023 vẫn còn 17 dự án chưa lựa chọn được nhà thầu xây lắp.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phân tích và chỉ rõ một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đó là: Tinh thần, trách nhiệm, sự lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở chưa cao, chưa quyết liệt; năng lực, trình độ của những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ và năng lực nhà thầu còn nhiều hạn chế...

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân trong thực thi nhiệm vụ được giao. Thời gian còn lại của năm 2023 không còn nhiều, vì vậy các ngành, các địa phương cần phải ưu tiên và đặt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công lên hàng đầu. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với nhiệm vụ này. Tổ chức giao ban hằng tuần, giao ban theo tiến độ dự án để đưa ra giải pháp thực thi hiệu quả, nhất là đối với những dự án chậm tiến độ. Với tinh thần còn ngày nào làm việc của năm 2023, cũng phải tập trung cho công tác giải ngân vốn đầu tư công, xem như đây là “chiến dịch" thần tốc” về đích năm 2023.