15:56 22/02/2023

Còn tình trạng xé nhỏ gói thầu, đoạn cao tốc 50 km nhưng hàng chục nhà thầu thi công

Anh Tú

Trong danh mục loạt dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải vẫn có tình trạng chia nhỏ gói thầu. Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chấm dứt chia nhỏ gói thầu, thông thầu, bán thầu...

Dự kiến sắp bổ sung một số cao tốc vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải để kết nối đồng bộ theo trục dọc Bắc – Nam và trục ngang Đông Tây.
Dự kiến sắp bổ sung một số cao tốc vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải để kết nối đồng bộ theo trục dọc Bắc – Nam và trục ngang Đông Tây.

Chiều 21/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo. Dự phiên họp tại điểm cầu các địa phương có lãnh đạo 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

KHÍ THẾ HỪNG HỰC TRÊN CÁC CÔNG TRƯỜNG

Kể từ sau cuộc họp Ban Chỉ đạo lần thứ ba vào ngày 16/11/2022, công việc  có nhiều tiến bộ, cho thấy việc tổ chức các phiên họp, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ là hết sức cần thiết.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với các địa phương và bộ, ngành liên quan, kiểm tra việc triển khai các dự án, chỉ đạo về quy hoạch, chất lượng, tiến độ, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. 

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo cùng với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dành trọn 6 ngày Tết Nguyên Đán Quý Mão (từ mùng 4-9) trực tiếp kiểm tra các dự án từ Bắc tới Nam trên 4 lĩnh vực chính của ngành giao thông vận tải, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Qua đó đã động viên, tạo động lực rất mạnh mẽ, khích lệ tinh thần quyết tâm vượt khó, thi công 3 ca 4 kíp, không quản ngại khó khăn, vất vả để triển khai các dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.

Các công trường, các dự án được kiểm tra, thị sát đều có khí thế quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân trong việc thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại; tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặt biệt là cảng hàng không trọng điểm; đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng nỗ lực, quyết liệt trong tổ chức triển khai, tập trung giải quyết các vướng mắc liên quan, kết quả đến nay cơ bản đáp ứng các kế hoạch đề ra.

Các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2 (2021 – 2025) cơ bản đáp ứng yêu cầu khởi công, nhiều địa phương đã bàn giao mặt bằng vượt yêu cầu.

Bộ Giao thông vận tải cũng hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần giai đoạn 2 vào ngày 1/1/2023, đến nay đã ký hợp đồng toàn bộ các gói thầu để tổ chức thi công đồng loạt theo đúng Nghị quyết của Chính phủ. Cuối năm 2022 đã đưa vào khai thác đoạn Cam Lộ - La Sơn, thông xe kỹ thuật đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Bên cạnh đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và TP. Hồ Chí Minh cũng khởi công dự án nhà ga hành khách T3 và tuyến đường kết nối Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…

THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, CHẤM DỨT BÁN THẦU

Tiếp nối hội nghị về phân bổ, giải ngân đầu tư công sáng cùng ngày 21/2, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tổ chức phiên họp thứ tư để tiếp tục tạo niềm tin, khí thế triển khai công việc, thúc đẩy phong trào thi đua "đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".

Ghi nhận công việc đã có nhiều tiến bộ sau phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng hoan nghênh các địa phương nhìn chung đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai nhiệm vụ.

Đặc biệt, Hà Nội, TP.HCM và các tổ công tác đã nỗ lực triển khai 2 dự án Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 Vùng Thủ đô, nhất là quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, tranh thủ được sự đồng tình của nhân dân. Các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Cà Mau, Đồng Nai… cũng triển khai tích cực công tác này.

"Hiện danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải gồm 21 dự án lớn với khoảng 70 dự án thành phần. Sắp tới, sẽ bổ sung thêm một số dự án cao tốc tại khu vực miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và từ Tây Nguyên xuống duyên hải Nam Trung Bộ vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải", Thủ tướng cho biết.

Từ đó, triển khai các tuyến cao tốc kết nối đồng bộ trên cả nước theo trục dọc Bắc – Nam và trục ngang Đông Tây, phấn đấu tới năm 2025, thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh) xuống tới Cà Mau.

Khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan và và nhất là Ban Chỉ đạo quốc gia phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó, tạo thành khí thế, phong trào, xu thế với tinh thần thi đua cao nhất có thể.

Thủ tướng nhấn mạnh, ai sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên để người khác làm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, còn nhiều việc phải làm tiếp với nỗ lực lớn hơn, tinh thần trách nhiệm cao hơn.

Cụ thể, năng lực của nhiều ban quản lý dự án còn hạn chế, còn tình trạng chia nhỏ gói thầu.

 

"Có đoạn đường chỉ 50 km nhưng có tới hàng chục nhà thầu, 2-3 km một gói thầu nên phát sinh nhiều thủ tục và kết nối các nhà thầu rất khó. Cần chấm dứt chia nhỏ gói thầu, thông thầu, bán thầu", Thủ tướng lấy dẫn chứng.

Cùng với đó, tiến độ tổng thể nhiều dự án còn chậm, nhiều mốc tiến độ chưa hoàn thành. Công tác lập, thẩm định, điều chỉnh chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư chất lượng chưa cao nên dẫn tới một số dự án phải điều chỉnh nhiều lần, chậm tiến độ, đội vốn, hiệu quả thấp.

Chất lượng khảo sát, thiết kế, đánh giá, lên kế hoạch chưa kỹ càng và có dự án thiếu tinh thần nhiệm của các cán bộ liên quan khiến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phát sinh khối lượng.

Công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương còn chậm, viêc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật còn có khó khăn, chưa đồng bộ, hỗ trợ người dân có chỗ chưa thỏa đáng. 

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, ban quản lý phải rà soát lại, nhanh chóng điều chỉnh các vấn đề nói trên, các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm, các nhà thầu phải làm hết trách nhiệm của mình.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh các bộ, cơ quan, ban, ngành và các đơn vị liên quan phải quán triệt 6 yêu cầu trong quá trình triển khai dự án.

Cụ thể, thứ nhất, phải bảo đảm chất lượng; thứ hai, phải bảo đảm tiến độ; thứ ba, phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường, sinh thái; thứ tư, không được đội vốn bất hợp lý; thứ năm, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm; thứ sáu, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Một vấn đề nổi lên tại cuộc họp là nguyên vật liệu cho các dự án, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tinh thần là giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại; các địa phương phải phải chung tay, chủ động, tích cực, những nơi có điều kiện phải tạo thuận lợi cho các địa phương khác.

Đồng thời, phải nhanh chóng khắc phục các yếu kém trong công tác tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế.