09:03 21/06/2007

“Công cụ đầu tư sinh lời”

Minh Đức

Lần đầu tiên, một công ty chứng khoán đưa ra một chỉ số riêng (CBV-Index) để đánh giá thị trường

Chứng khoán Biển Việt đã công bố chỉ số này với mốc khởi đầu là 100 điểm, tính từ ngày 1/1/2007.
Chứng khoán Biển Việt đã công bố chỉ số này với mốc khởi đầu là 100 điểm, tính từ ngày 1/1/2007.
Lần đầu tiên, một công ty chứng khoán đưa ra một chỉ số riêng (CBV-Index) để đánh giá thị trường.

Ông Vũ Đức Nghĩa, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Biển Việt, cho rằng đây là một công cụ mới hỗ trợ nhà đầu tư tham gia thị trường hiệu quả hơn.

Ý tưởng nào để Chứng khoán Biển Việt cho ra đời chỉ số này, thưa ông?

Đầu tiên, chúng tôi có ý tưởng là xây dựng một chỉ số chung cho cả hai sàn Hà Nội và Tp.HCM thay vì hai chỉ số riêng biệt là VN-Index và HASTC-Index như hiện nay.

Tuy nhiên, việc sáp nhập hai sàn này để có một chỉ số chung không có giá trị mấy, không giúp nhà đầu tư đầu tư vào chỉ số đó được, bởi vì gần 200 cổ phiếu niêm yết là một số lượng lớn, nhà đầu tư không có khả năng rải vốn hết chừng ấy cổ phiếu và không thực sự biểu hiện được cho toàn nền kinh tế. Vì vậy chúng tôi lọc ra 50 cổ phiếu đủ sức mạnh, tiêu biểu cho các ngành để đưa vào tính chỉ số CBV-Index.

Chúng tôi tiếp tục chia CBV-Index thành 10 chỉ số là đại diện tiêu biểu của các ngành chính của nền kinh tế Việt Nam, gồm vận tải, công nghệ, máy công nghiệp, nguyên vật liệu, năng lượng, tiêu dùng, y tế, điện nước, tài chính và nhà đất.

Sự phân chia này nhằm mục đích theo dõi cụ thể hơn nữa diễn biến của từng nhóm ngành và giúp cho các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong các quyết định đầu tư vào từng nhóm ngành mà mình quan tâm.

Biển Việt cho rằng CBV-Index là một công cụ đầu tư sinh lời, vậy nhà đầu tư sử dụng công cụ này như thế nào?

Khi tham gia thị trường, nhà đầu tư thường đứng trước câu hỏi là mua rẻ bán đắt hay mua đắt để bán đắt hơn? Đó là hai cách đầu tư sinh lời.

Để trả lời, để xác định đâu là mức giá thấp, đâu là khả năng sinh lời hoặc lỗ, căn cứ vào chỉ số CBV ở 10 nhóm ngành mà chúng tôi tập hợp, nhà đầu tư có thể thấy rõ điều đó.

Ví dụ, khởi điểm của chỉ số này là 100 điểm tính từ 1/1/2007. Nếu đầu tư vào nhóm cổ phiếu nhà đất từ 1/1/2007 có thể thấy khả năng sinh lãi là 78%, tính đến 15/6/2007. Tương tự, nếu đầu tư vào nhóm tài chính thì lãi khoảng 56%; vào năng lượng lỗ khoảng 11%; đầu tư vào nhóm công nghệ thì chỉ lãi khoảng 5%, thấp hơn cả gửi tiết kiệm...

Như vậy, nhà đầu tư có thể đối chiếu, so sánh để thấy khả năng sinh lời hoặc lỗ của nhóm cổ phiếu mà mình định đầu tư. Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng những giả thiết trực tuyến nhằm hỗ trợ nhà đầu tư lựa chọn các phương án với một khoản đầu tư nhất định vào một nhóm ngành xác định; họ có thể theo dõi diễn biến khoản đầu tư đó, diễn biến lỗ lãi trực tuyến khớp với biến động của giá trên thị trường, qua đó chủ động hơn với khoản đầu tư của mình.

Theo ông nói, chỉ có 50 cổ phiếu mạnh nhất, chiếm khoảng 80% tổng giá trị thị trường và chiếm trên 70% lượng giao dịch hàng ngày. Vậy nhà đầu tư muốn tìm đến những cổ phiếu nhỏ thì sao?

Hiện tại, ngoài chỉ số CBV-Index chung và chỉ số của 10 nhóm ngành, chúng tôi cũng xây dựng các chỉ số của 10 và 20 cổ phiếu mạnh nhất trên thị trường và cả chỉ số của nhóm cổ phiếu nhỏ.

Bởi nếu để đầu tư vào chỉ số chung CBV-Index, cần phải có một lượng vốn lớn, vì vậy nhà đầu tư có thể tách theo các nhóm ngành hoặc CBV 10 hoặc 20... Chúng tôi cũng định hướng xây dựng một chỉ số tương tự đối với cổ phiếu trên thị trường tự do (OTC), tuy nhiên vì đặc tính của thị trường này nên nó chỉ mang tính chất tham khảo. Khi thị trường OTC được quản lý theo đề án của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thì sẽ thuận lợi hơn.

Tôi cũng xin nói rõ là việc lựa chọn 50 cổ phiếu nói trên, hay đối với các nhóm ngành, là theo những tiêu chí cụ thể như về giá trị thị trường phải trên 500 tỷ đồng, phải có tính thanh khoản cao... Những cổ phiếu này có thể vào, ra, thay đổi theo diễn biến cụ thể trên thị trường niêm yết và theo nguồn hàng.

Hiện một số công ty chứng khoán cũng đang nghiên cứu và có thể đưa ra những chỉ số tương tự như CBV-Index. Ông nghĩ sao về điều này?

Chúng tôi xây dựng và đưa ra chỉ số này là hoàn toàn miễn phí và sẵn sàng cung cấp cho các tổ chức. Việc xây dựng mất khá nhiều công sức và đòi hỏi phải luôn theo sát nó. Với các công ty chứng khoán khác, với những phương pháp và chỉ số mới, tôi cho rằng điều đó là đáng hoan nghênh.

Với chúng tôi, xây dựng chỉ số này chủ yếu là để phục vụ nhà đầu tư sao cho hiệu quả, chính xác nhất bởi họ chính là người quyết định thành công của chỉ số này.