09:47 22/06/2015

Công nghiệp hoá: "Chọn trước người chiến thắng" thường thất bại

Bảo Quyên

Nhiều ý kiến đáng lưu ý tại Hội thảo chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tham dự và chủ trì hội thảo.<br>
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tham dự và chủ trì hội thảo.<br>
“Tiêu chí cụ thể cho mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn chưa toàn diện, đồng bộ. Công nghiệp phát triển còn nặng về quy mô, chất lượng, hiệu quả còn thấp”.

Đó là đánh giá của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ tại hội thảo “Chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2035, thực trạng và định hướng”, tổ chức ngày 20/6.

Cùng với hội thảo này, Ban Kinh tế Trung ương cũng đang xây dựng đề án “Định hướng chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2035”, có nhiệm vụ chọn lựa để định hướng chính sách phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng, công nghiệp vật liệu cơ bả,  đồng thời bổ sung một số chính sách chung theo nhận thức mới về chính sách phát triển công nghiệp.

Theo ông Huệ, qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thiết lập được hệ thống cơ chế, chính sách, tạo dựng thể chế mới nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển công nghiệp.

Điều này được thể hiện ở chỗ, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số ở nông thôn, đến nay cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng và đời sống xã hội của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể: Công nghệ sản xuất công nghiệp đã có bước thay đổi về trình độ theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong giá trị sản xuất công nghiệp tăng, tỷ trọng công nghiệp khai thác giảm dần.

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng gấp 24 lần từ 1986 đến 2014 với tốc độ tăng bình quân là 12%/năm...

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu và thiếu tính kết nối. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu. Tiêu chí cụ thể cho mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn chưa toàn diện, đồng bộ. Công nghiệp phát triển còn nặng về quy mô, chất lượng, hiệu quả còn thấp.

Phát biểu tại hội thảo,  Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển công nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, cụ thể: tốc độ tăng trưởng chậm; giá trị gia tăng ngành công nghiệp vẫn mức thấp; phân bố không gian phát triển công nghiệp chưa hợp lý;  năng suất lao động thấp, đặc biệt trong công nghiệp chế biến, chế tạo khi chúng ta vẫn chủ yếu tập trung vào gia công. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ ở mức thấp, tay nghề lao động chưa đáp ứng nhu cầu, sáng tạo trong lao động của chúng ta còn yếu.

Theo Phó thủ tướng, hiện nay ngành công nghiệp làm chủ được quy hoạch, kế hoạch, thiết kế, thi công... chỉ đếm được trên đầu ngón tay, số doanh nghiệp, ngành có sự đầu tư cho nghiên cứu phát triển rất ít, chính sách phát triển công nghiệp thiếu, kém hiệu quả... thể hiện khá rõ ở ngành ôtô, cơ khí chế tạo, đóng tàu, phát triển công nghiệp hỗ trợ...

Về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, có ý kiến cho rằng Nhà nước phải bỏ thêm nhiều tiền đầu tư hơn nữa, nhưng Phó thủ tướng nhấn mạnh “Nhà nước hiện nay đang ở vị trí không có nhiều tiền để đầu tư”.

Trước ý kiến cho rằng chúng ta đã dàn trải trong đầu tư, Phó thủ tướng khẳng định: chúng ta có nhiều chính sách phát triển, nhưng không đến đầu đũa, nhiều chính sách đưa ra không hiệu quả, mà tiền thì vẫn bị tiêu đi.

Chính vì vậy, theo Phó thủ tướng, chúng ta phải chọn lọc hơn nữa, không được dàn trải như thời gian qua. Trường hợp cần có chính sách đặc biệt, doanh nghiệp phải đưa ra mô hình đầu tư thật sự cần hỗ trợ thì mới có thể có chính sách riêng.

Còn theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chúng ta cần phải chú ý nâng cấp công nghệ cho các doanh nghiệp, bài học công nghệ của Hàn Quốc cần quan tâm và lưu ý.

Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Nguyễn Xuân Thành khuyến nghị,  kinh nghiệm 30 năm đổi mới cho thấy có thất bại về chính sách công nghiệp, đó là: lấy doanh nghiệp nhà nước làm công cụ thực hiện chính sách công nghiệp chính yếu.

Ông Thành dẫn số liệu và biểu đồ cho thấy tăng trưởng công nghiệp trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đã thật sự chững lại từ giữa thập niên 2000. Ông Thành cho rằng kinh nghiệm nhiều nước cho thấy nếu thực hiện công nghiệp hóa trên ý muốn chủ quan và “chọn trước người chiến thắng” thì thường dẫn đến thất bại.

Kinh nghiệm công nghiệp hóa thành công của các nước cho thấy “chính khu vực tư nhân mới là động lực thật sự của tăng trưởng. Nhà nước cần trao cơ hội để khu vực này có thể bứt phá đưa nền kinh tế đến đích công nghiệp hóa, thay vì tiếp tục đánh cược với sự thành bại của doanh nghiệp nhà nước lần nữa”, ông Thành nói.