16:46 07/07/2024

Công nghiệp không thể lỡ hẹn?

Minh Đức

Mục tiêu của nền kinh tế nước ta là đến năm 2025 trở thành nước công nghiệp tương đối hiện đại, ra khỏi nhóm có thu nhập trung bình thấp. Năm 2023, công nghiệp tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung. Do vậy, công nghiệp cần phải tăng tốc trong 2 năm tới để không bị một lần nữa lỡ hẹn...

Công nghiệp là ngành kinh tế thực lớn nhất có vai trò quan trọng đối với các ngành kinh tế thực khác (nông, lâm nghiệp, thủy sản; xây dựng) và đối với nhóm ngành dịch vụ. Đối với những nước đang phát triển, các nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam, thì kinh tế thực càng quan trọng. Bài học của Trung Quốc cho thấy, nhờ phát triển mạnh kinh tế thực, thậm chí trở thành “công xưởng sản xuất của thế giới” mà ít bị tác động tiêu cực từ các biến động ở bên ngoài, nhanh chóng trở thành nền kinh tế có tổng quy mô lớn thứ 2 thế giới.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là tiêu chí hàng đầu của nước công nghiệp. Những nước có tổng quy mô công nghiệp rất lớn, nhưng chủ yếu là công nghiệp khai thác dầu thô, một số khoáng sản khác, nhưng vẫn chưa được gọi là công nghiệp công nghệ, bởi công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ chiếm tỷ trọng thấp.

Nếu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, nhưng nếu công nghiệp hỗ trợ còn yếu, tính gia công, lắp ráp còn lớn, số doanh nghiệp có kỹ thuật- công nghệ thấp chiếm tỷ trọng cao,…, thì không thể nói là nước có công nghiệp có xu hướng hiện đại, càng chưa thể là nước có công nghiệp hiện đại.

Cách đây hơn một thập kỷ, Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành nước công nghiệp có xu hướng hiện đại, nhưng chưa đạt được và đã chuyển sang đến năm 2025. Vấn đề đặt ra về khả năng có thể bị lỡ hẹn một lần nữa nếu không có giải pháp đồng bộ và quyết liệt trong thời gian tới.

NĂM 2023: CÔNG NGHIỆP TĂNG TRƯỞNG THẤP 

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của công nghiệp qua một số năm như sau (hình 1).

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp từ năm 2021 trở về trước thường cao hơn tốc độ tăng chung, ngay cả những năm đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát. Tuy nhiên, năm 2022 tăng thấp hơn và bắt đầu tăng chậm lại từ quý 4/2022, kéo sang năm 2023. Mặc dù mấy tháng cuối năm 2023 đã có dấu hiệu cao lên, nhưng tính chung cả năm 2023 đã tăng thấp hơn tốc độ tăng chung, một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua và thấp hơn cả 2 năm bị đại dịch.

Theo nhóm ngành, ngành khai khoáng bị giảm sâu, chủ yếu do chỉ số sản xuất của ngành này giảm sâu (3,9%), đặc biệt khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm sâu 5,7%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, cũng là tiêu chí hàng đầu của nước công nghiệp) tăng thấp. Ngành sản xuất, phân phối điện tăng, ngành nước,… tăng, tuy cao hơn tốc độ tăng chung, nhưng có tỷ trọng thấp xa so với tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; riêng ngành điện lại để xảy ra thiếu điện lại tác động tiêu cực “kép” đến toàn bộ nền kinh tế (hình 2).

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn nền kinh tế còn thấp (hình 3). Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đã tăng lên từ 2022 trở về trước, nhưng đến năm 2023 lại bị giảm và không đạt mục tiêu đề ra cho cả năm (25,4-25,8%). Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ tăng giá trị tăng thêm của công nghiệp chế biến, chế tạo thấp hơn tốc độ tăng chung (3,62% so với 5,05%).

Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng thấp hoặc giảm so với năm trước (hình 4). Trong đó có nhiều sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn, nhưng đã tăng thấp hoặc giảm, thậm chí bị giảm sâu.

Công nghiệp tăng thấp do nhiều yếu tố.

Số doanh nghiệp khởi nghiệp của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cũng không ít (10.728 doanh nghiệp, tăng 22,2%). Nhiều sản phẩm công nghiệp xuất khẩu giảm hoặc tăng thấp (hình 5). Nguyên nhân chủ yếu là do tổng cầu trên thế giới thấp, đơn hàng giảm. Nhiều mặt hàng nhập khẩu bị giảm, có loại giảm sâu, tác động đến sản xuất sản phẩm ở trong nước và xuất khẩu trong chu kỳ sau.

Tốc độ tăng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo rất thấp, trong khi chỉ số tồn kho tăng rất cao (hình 6). Tiêu thụ chậm, tồn kho cao tác động trực tiếp đến sản xuất và tăng trưởng của công nghiệp.

Yếu tố vốn tác động lớn đến sản xuất, tăng trưởng nói chung và tăng trưởng công nghiệp nói riêng. Tín dụng tăng bằng hai phần ba định hướng cả năm và thấp xa so với năm trước, phần lớn do nhu cầu vốn, tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn.

Yếu tố lao động cũng tác động không nhỏ đến tăng trưởng công nghiệp, khi so với cùng kỳ năm trước số lao động làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp vẫn còn giảm (2,2%), trong đó doanh nghiệp nhà nước giảm 3,1%, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 2,2%, doanh nghiệp khu vực có vốn FDI giảm 2%,… Riêng doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,3%..

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là những hạn chế, yếu kém của công nghiệp về 3 mặt: công nghiệp hỗ trợ yếu, tính gia công lắp ráp cao, công nghiệp chế biến, chế tạo có kỹ thuật - công nghệ cao chiếm tỷ trọng thấp.

Công nghiệp hỗ trợ yếu được đề cập từ lâu, nhưng khắc phục chậm, kéo dài và diễn ra ở nhiều ngành công nghiệp.

Tính gia công, lắp ráp không chỉ đối với khu vực công nghiệp trong nước mà cả đối với khu vực công nghiệp có vốn FDI. Tình hình này thể hiện ở tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu/kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn khá cao, tính lan tỏa từ khu vực FDI sang khu vực kinh tế trong nước còn thấp. Tình hình đó cũng dẫn đến mức thực thu thấp, nhập khẩu cao.

Một yếu tố đang được quan tâm là cơ cấu nội lực và ngoại lực trong công nghiệp chưa thể hiện chủ trương “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”. Điều đó chứng tỏ khu vực công nghiệp trong nước còn yếu (chỉ chiếm khoảng một nửa giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm tỷ trọng ít hơn về xuất khẩu sản phẩm) so với khu vực có vốn FDI.

Lợi thế của khu vực kinh tế trong nước là lực lượng lao động đông đảo, giá nhân công rẻ,… nhưng lợi thế này lại “nhường” cho khu vực có vốn FDI sử dụng, lại không tranh thủ được sự lan tỏa về công việc, về kinh nghiệm quản lý, khoa học - công nghệ của khu vực có vốn FDI, thậm chí còn bị “mất” một phần thị phần ở trong nước. Khu vực có vốn FDI đã tận dụng tốt hơn không những về lao động, mà còn tận dụng tốt hơn khi Việt Nam mở rộng cửa hội nhập với nhiều ưu đãi do các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mang lại.

THỰC THI CÁC GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT VÀ ĐỒNG BỘ 

Công nghiệp đã bị lỡ hẹn” so với mục tiêu đến năm 2020 trở thành nước có công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu này đã phải rời đến năm 2025. Nhưng nếu không có quyết tâm, có giải pháp quyết liệt và đồng bộ thì có khả năng sẽ bị lỡ hẹn một lần nữa, khi nhiệm vụ dồn cho năm 2024, 2025 quá nặng, trong khi diễn biến những năm này rất khó lường.

Sự lỡ hẹn không chỉ về tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo/GDP (không đạt trên 25%), mà còn liên quan đến một số chỉ tiêu khác, như: tỷ lệ đô thị hóa (trên 45%), tốc độ tăng năng suất lao động (6,5%/năm), giảm tỷ trọng lao động đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản (xuống 25%), tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị (dưới 4%),… và các chỉ tiêu chung của toàn bộ nền kinh tế (như tốc độ tăng GDP 6,5-7%); bởi tăng trưởng giá trị tăng thêm của nông nghiệp chỉ trên dưới 3%,… Không chỉ lỡ hẹn về các chỉ tiêu trực tiếp hoặc có liên quan đến công nghiệp, mà ngay cả chỉ tiêu tổng hợp, như Việt Nam khó ra khỏi nhóm nước có thu nhập trung bình thấp,…

Để tránh lỡ hẹn như trên, cần phải có giải pháp quyết liệt và đồng bộ đối với kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo. Đối với tiêu chí của nước công nghiệp, do đã đưa ra từ 2 thập kỷ trước, nay cần phải được đưa lên hoặc cần chuẩn hóa thêm.

- Tiêu chí GDP bình quân đầu người cần được chuyển thành thu nhập quốc gia bình quân đầu người (GNI), bởi GNI mới là thu nhập thực tế của Việt Nam, khi GNI của Việt Nam thấp chỉ bằng trên dưới 94% của GDP. Hơn nữa với mức của mục tiêu (4.700-5.000 USD/người) là thấp đối với một nước công nghiệp; đối với một nước ra khỏi thu nhập thấp; với mức bình quân của thế giới (năm 2021, GDP bình quân đầu người đạt 12.131,1 USD).

- Tiêu chí tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo/GDP trước đây chỉ cần đạt trên 20%, nhưng đã có năm đạt trên 24%; do vậy nay cần đưa lên trên 28%.

- Tiêu chí nông, lâm nghiệp, thủy sản/GDP xuống dưới 20%, nay đã thấp hơn; một số nước có tỷ trọng thấp hơn nhưng vẫn chưa được công nhận là nước công nghiệp,…

Để khắc phục sự tăng thấp hoặc sự sụt giảm của toàn ngành công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo, cần thực hiện một số giải pháp.

Ở đầu vào, tác động vào 3 yếu tố: (1) hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ; về tài khóa, thực hiện nhanh, kéo dài và tăng liều lượng của các giải pháp hỗ trợ để “khoan thư sức dân”, “nuôi dưỡng nguồn thu”, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, quay trở lại hoạt động, giảm thiểu số doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động, hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động; (2) thu hút trở lại số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, nhất là các trung tâm công nghiệp; (3) đổi mới thiết bị, công nghệ, tăng tỷ trọng thiết bị, công nghệ cao, giảm thiểu tỷ trọng số doanh nghiệp có thiết bị, công nghệ thấp, trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo,…

Nội dung bài viết được đăng tải trên ẩn phẩm đặc biệt Kinh tế 2023-2024:  Việt Nam & Thế giới phát hành ngày 06/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Công nghiệp không thể lỡ hẹn? - Ảnh 1