17:07 07/10/2021

Covid-19 là “chất xúc tác” cho chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng

Hoàng An

Đại dịch Covid-19 phức tạp trở thành tác nhân tích cực giúp chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng...

Covid-19 thúc đẩy tiến trình số hóa nhanh hơn ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Covid-19 thúc đẩy tiến trình số hóa nhanh hơn ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Tại Hội thảo Future Banking 2021 với chủ đề "Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng, hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số" diễn ra ngày 7/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhấn mạnh rằng làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động khá tiêu cực lên sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành tài chính – ngân hàng nói riêng. Song không phủ nhận Covid-19 cũng là tác nhân tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình số hóa nhanh hơn bởi sự cấp thiết của việc duy trì hoạt động lưu thông tiền tệ thường xuyên, liên tục.

SỨC BẬT TỪ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG ĐẠI DỊCH

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ số giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng. Nếu như cách đây 2-3 năm, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam chỉ mới tiếp cận đến khái niệm thì hiện nay những công nghệ này đã và đang mang lại những lợi ích về tự động hóa quy trình, nâng cao năng suất lao động, tăng trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí vận hành cho các ngân hàng.

Đặc biệt, cuộc đua về “digital bank” (ngân hàng số) đã và đang diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam. 

 
Ngay trong dịch Covid-19, hàng loạt ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng đã tích hợp dịch vụ đi chợ online (mà trước đó chưa có) để đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu đảm bảo an toàn của thực tiễn, gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng.

Thêm vào đó, ứng dụng ngân hàng di động nay đã được nâng cấp lên thành ứng dụng ngân hàng số với đầy đủ tính năng từ mở tài khoản, giao dịch tài chính, đầu tư đến các dịch vụ ngoài tài chính như mua sắm, giáo dục, y tế, giao thông…. “Dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện”, ông Hùng đánh giá.

Nhờ chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn mà các hoạt động ngân hàng "không tiếp xúc" cũng trở nên phổ biến hơn, việc sử dụng dịch vụ online của khách hàng cũng dần trở thành thói quen.

“Ngay trong dịch Covid-19, hàng loạt ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng đã tích hợp dịch vụ đi chợ online (mà trước đó chưa có) để đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu đảm bảo an toàn của thực tiễn, gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng”, ông Hùng nói và cho biết thêm rằng có thể thấy ngành Ngân hàng Việt Nam đã có sự chuẩn bị, chủ động vào cuộc và khả năng thích ứng tốt trước những biến động, rủi ro trong công cuộc chuyển đổi số.

Đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các hệ thống thanh toán, hệ thống thông tin tín dụng và các ngân hàng vẫn hoạt động bền bỉ, thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cùng các cơ quan Chính phủ một cách nhanh chóng, an toàn.

Theo nghiên cứu của Mastercard Việt Nam, Campuchia và Lào, đại dịch là chất xúc tác giúp phát triển tư duy “kỹ thuật số là mặc định”. Thói quen thanh toán của người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều trong thời đại Covid-19.

Cụ thể, từ 60-70% người dân Đông Nam Á đã giảm mức sử dụng tiền mặt. Trong khi đó, 75% người dân châu Á – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục sử dụng thanh toán không tiếp xúc sau đại dịch. Có tới 91% người dân khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã sử dụng hình thức thanh toán không tiếp xúc vì lý do an toàn và vệ sinh.

NHỮNG ĐIỂM NGHẼN ĐÁNG LƯU Ý

Bên cạnh sự đa dạng hóa của các dịch vụ và sản phẩm ngân hàng nhờ chuyển đổi số, lĩnh vực này cũng đang còn một số điểm nghẽn đáng lưu ý, theo IDG Việt Nam. Thứ nhất là hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin mới ở mức đang dần hoàn thiện. Thứ hai, cơ chế hợp tác cũng như chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa các tổ chức tín dụng với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cũng chưa rõ ràng.

Thêm vào đó, tỉ lệ giao dịch tiền mặt còn cao. Một số hệ sinh thái công nghệ tài chính (fintech) chưa thực sự liên thông với các tổ chức tín dụng khác để tạo thuận tiện nhất cho người dùng. Ngoài ra, sự hợp tác giữa các ngân hàng và các đơn vị fintech chưa thực sự sâu như mong đợi.

Việc thực thi chuyển đổi số ở các ngân hàng cũng không phải bài toán dễ giải và “một sớm một chiều”. Đại diện của Mambu Việt Nam cho biết, việc thực thi chuyển đổi số tại các ngân hàng đang ở nhiều mức khác nhau.

Quá trình này đòi hỏi quy trình, kiến trúc và cách vận hành linh hoạt của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cũng coi đây là dự án về công nghệ nhiều hơn kinh doanh. Trong khi đó, trên thực tế chuyển đổi số gắn liền với chiến lược kinh doanh bởi chuyển đổi số để thu hút, tạo ra sân chơi mới cho khách hàng.

Khi chuyển đổi số khiến môi trường và hành vi tiêu dùng thay đổi thì bản thân các ngân hàng cũng phải không ngừng tạo ra hệ sinh thái mới phù hợp hay tìm cách hợp tác với các fintech để tạo ra sân chơi mới cho khách hàng.

Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và ngày 11/5/2021, NHNN đã ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện chuyển đổi số thành công. 

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các ngân hàng cần năng động, đổi mới mô hình kinh doanh, tăng cường hợp tác, phát triển mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số, sáng tạo đổi mới mang đến cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu và gắn kết khách hàng.