"Covid-19 tạo ra bước nhảy có tính thời đại cho chuyển đổi số"
Theo ông Trần Đình Thiên, lĩnh vực ngân hàng và thương mại điện tử vẫn sẽ bứt phá mạnh nhất về chuyển đổi số trong năm 2021
Đây là góc nhìn của TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khi đánh giá về cú huých số hoá do đại dịch Covid-19 tác động.
Tại buổi toạ đàm Giải mã điều kỳ lạ của nền kinh tế số năm 2020 và dự báo xu hướng năm 2021, ông Trần Đình Thiên cho rằng, ngay trước Covid-19, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam khá rõ ràng, nhất là khi mọi người đều có điện thoại thông minh - cơ sở để chuyển đổi số. Tuy nhiên, do là nước đi sau, trình độ phát triển lại không cao nên quá trình chuyển đổi không dữ dội.
Từ khi Covid-19 gây ra cú sốc lớn cho cả thế giới, tạo một cú nhảy vọt từ nền kinh tế vật thể sang kinh tế số. Ông Thiên cho rằng không quá phức tạp để lý giải hiện tượng này, bởi vì nền tảng Việt Nam đã được chuẩn bị sớm và phổ biến nhanh. Đồng thời, khi Covid-19 xảy ra, điều không ai lường trước được là nó chặn đứng tất cả các kết nối thực và buộc con người không được di chuyển.
"Theo một cách nào đó, Covid-19 đã có công lao to lớn, là thúc đẩy kinh tế thực sang kinh tế số như một phép màu, thúc đẩy loài người tiến bộ. Tất nhiên chúng ta vẫn sẽ có sự khó chịu về đại dịch này, nhưng trong nguy có cơ, không chỉ có rủi ro thuần túy", vị chuyên gia trên nhìn nhận.
Ông Thiên cũng đưa thêm ví dụ, trong lúc cả thế giới bàng hoàng khi kinh tế suy giảm 5-6% thì có một nhóm đại gia có tài sản tăng vọt ghê gớm. Theo thống kê, đó là khu vực liên quan công nghệ cao và kinh tế số. Có những tỷ phú chỉ trong vài tháng, tài sản tăng lên bằng lần, như Elon Musk.
"Tóm lại, Covid-19 đã tạo ra cú sốc, đồng thời tạo ra bước nhảy có tính thời đại cho chuyển đổi số. Vì thế, bước nhảy này cần được phân tích để tháo gỡ các trở ngại trong cuộc khủng hoảng, tạo đà cho kinh tế số", ông Thiên nhấn mạnh.
Về tăng trưởng thương mại điện tử trong thời gian qua, vị chuyên gia này cho biết, theo số liệu thống kê từ Sở Công thương Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, thương mại điện tử tăng 6% và nếu thống kê trong 12 tháng thì con số còn tích cực hơn, có thể lên tới 13%.
Tuy nhiên, với quy mô thị trường còn nhỏ như tại Việt Nam thì thương mại điện tử tăng như trên cũng không phải lớn. Theo ông Thiên, vấn đề của thương mại điện tử nằm ở chỗ doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm khoảng 97% nên quá trình chuyển đổi còn chậm.
Ngoài ra, Việt Nam chống dịch tốt, nên người dân vẫn đi mua hàng, để khỏi có cảm giác tù túng. "Covid-19 không đủ sức chia lìa bà nội trợ với chợ búa thì tăng trưởng thương mại điện tử thấp có thể hiểu. Hơn nữa, các hình thức thương mại truyền thống ở nông thôn còn phổ biến", ông Thiên chia sẻ.
Theo ông Thiên, thương mại điện tử tốt hơn hẳn thương mại truyền thống, nên tăng vậy là chấp nhận được. Mặt khác, tăng từ từ như vậy sẽ không gây "sốc" cho doanh nghiệp kinh doanh thương mại.
Khi được hỏi về xu hướng chuyển đổi số của năm 2021, vị chuyên gia này cho rằng tình hình có thể tốt hơn. Trong đó, lĩnh vực ngân hàng và thương mại điện tử vẫn sẽ bứt phá mạnh nhất. Các công ty về tái cơ cấu trên nền tảng quản trị cơ bản cũng sẽ có bước tiến lớn.
"Song, Việt Nam phải lường đến nguy cơ, rủi ro của dịch và phòng chống nó bằng số hóa, bằng công nghệ chứ không chỉ là kinh tế cũ, logic cũ. Đồng thời, cần phải đầu tư cho hệ thống an toàn thông tin, đây là vấn đề sống còn chứ không đơn giản là thiệt hại", ông Thiên khuyến cáo.