Covid khiến tuổi thọ người Mỹ giảm mạnh nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai
Tuổi thọ ở Mỹ giảm 1,5 tuổi trong năm 2020 còn 77,3 tuổi, mức thấp nhất kể từ năm 2003, mà nguyên nhân chủ yếu là đại dịch Covid-19 – Cơ quan Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) nước này cho biết ngày 21/7...
Đây cũng là mức giảm tuổi thọ mạnh nhất trong 1 năm của người Mỹ kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai – giai đoạn mà tuổi thọ của người dân nước này giảm 2,9 tuổi trong năm 1943 so với năm 1942.
“Tuổi thọ của người Mỹ đã tăng dần hàng năm trong suốt nhiều thập kỷ qua”, nhà nghiên cứu Elizabeth Arias của CDC Mỹ nói với hãng tin Reuters. “Mức tuổi thọ giảm trong năm 2020 so với năm 2019 lớn đến nỗi đưa chúng ta về tuổi thọ của năm 2003. Điều này giống như chúng ta bị mất một thập kỷ vậy”.
Tử vong do Covid-19 đóng góp 74% trong mức giảm tuổi thọ nói trên của người Mỹ. Việc dùng thuốc quá liều (drug overdose) cũng là một nguyên nhân chính nữa dẫn tới tình trạng này – CDC Mỹ cho hay. Tuần trước, cơ quan này công bố số liệu tạm thời cho thấy số ca tử vong vì dùng thuốc quá liều ở Mỹ tăng gần 30% trong năm 2020.
Báo cáo mới nhất của CDC về tuổi thọ người Mỹ dựa trên số liệu về người chết ở nước này trong thời gian từ tháng 1-12/2020.
Báo cáo cho thấy sự chênh lệch tuổi thọ giữa các nhóm sắc tộc và giới tính có sự gia tăng lớn trong kỳ báo cáo.
Tuổi thọ của người da đen giảm 2,9 tuổi còn 71,8 tuổi trong năm 2020, mức thấp nhất kể từ năm 2000. Tuổi thọ của nam giới gốc Latin giảm 3,7 tuổi, còn 75,3 tuổi, mức giảm mạnh nhất trong tất cả các nhóm thống kê.
Tuổi thọ của phụ nữ ở Mỹ trong năm 2020 là 80,2 tuổi, cao hơn 5,7 tuổi so với nam giới, và tăng 6 tháng so với mức của năm 2019.