Không có đủ vaccine AstraZeneca, Thái Lan tiêm kết hợp với vaccine Sinovac
Ngày 19/7, Thái Lan bắt đầu tiêm mũi thứ hai là vaccine AstraZeneca cho những người đã tiêm mũi đầu là vaccine của Sinovac Biotech nhằm mục đích tăng cường sự bảo vệ khỏi biến chủng Delta...
Thái Lan dự định dùng thêm vaccine do Trung Quốc sản xuất để bù vào sự thiếu hụt nguồn cung vaccine AstraZeneca trong chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19. Nước này cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chế độ tiêm kết hợp vaccine, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng mạnh chưa từng thấy.
Theo hãng tin Bloomberg, ngày 19/7, Thái Lan bắt đầu tiêm mũi thứ hai là vaccine AstraZeneca cho những người đã tiêm mũi đầu là vaccine của Sinovac Biotech nhằm mục đích tăng cường sự bảo vệ khỏi biến chủng Delta. Theo dự báo, biến chủng Delta có thể đẩy số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày ở Thái Lan lên tới 20.000 vào tháng tới.
Theo kế hoạch tiêm chủng mới nhất, Thái Lan sẽ sử dụng 5 triệu liều Sinovac mỗi tháng – Tổng giám đốc Cục Kiểm soát bệnh dịch Thái Lan, ông Opas Karnkawinpong, cho hay.
Nước này hiện đang cố gắng ký thêm thoả thuận mua vaccine, sau khi AstraZeneca - vốn được kỳ vọng sẽ là nhà cung cấp chính cho chiến dịch tiêm chủng của Thái Lan - cho biết không thể đáp ứng mục tiêu mà Chính phủ nước này đề ra vì còn phải thực hiện cam kết xuất khẩu sang các quốc gia khác. Theo ông Opas, Chính phủ Thái Lan đang tìm cách mua thêm vaccine từ các nhà sản xuất khác như Pfizer.
Thái Lan ra sức đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng nhằm giảm số ca nhập viện và số ca tử vong, trong lúc làn sóng nhiễm mới khiến hệ thống y tế của nước này oằn mình gánh vác. Ngày 19/7, Thái Lan ghi nhận 11.784 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, cho dù các điểm nóng Covid ở nước này đã bước vào tuần thứ hai của đợt áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất trong hơn 1 năm trở lại đây.
Chiến lược vaccine mới nhất của Thái Lan là một sự dịch chuyển khỏi kế hoạch ban đầu. Lúc đầu, nước này dự kiến chỉ dựa vào vaccine AstraZeneca được sản xuất trong nước bởi hãng dược Siam Biosience để tiêm 10 triệu mũi mỗi tháng.
2/3 sản lượng vaccine AstraZeneca sản xuất tại Thái Lan sẽ dành cho xuất khẩu, nên nước này sẽ chỉ được nhận được khoảng 5 triệu liều mỗi tháng. Thực tế này buộc Chính phủ Thái Lan phải xoay sở để tăng nguồn cung vaccine, bao gồm tính đến chuyện hạn chế xuất khẩu vaccine.
“Chính phủ đã hành động dựa trên kịch bản tốt nhất mà không lường trước được tình huống. Họ không có kế hoạch dự phòng để giảm rủi ro hay tính đến những bấp bênh”, luật sư Wiroj Lakkhanaadisorn của đảng đối lập Tiến lên (Move Forward) nhận định. “Tử vong và thiệt hại kinh tế là điều có thể tránh được nếu Chính phủ lên kế hoạch và quản lý tốt hơn”.
Ban đầu, Thái Lan chỉ tính dùng vaccine Sinovac cho y bác sỹ và nhân viên y tế tuyến đầu, nhưng sau đó đã dùng vaccine này cả cho những vùng có dịch bùng phát hoặc có kế hoạch mở cửa cho du khách.
Đến nay, Thái Lan đã tiêm được 14,2 triệu liều vaccine, đủ để bao trùm 10% dân số được tiêm 2 mũi. Trong số đó, vaccine Sinovac chiếm 53%, AstraZeneca chiếm 44%, và Sinopharm chiếm 3% - theo dữ liệu từ Bộ Y tế Thái Lan.