CTI lãi lớn từ BOT tuyến tránh Biên Hoà và quốc lộ 91
Hơn một nửa lợi nhuận của Thuận Phát đến từ các dự án BOT
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cường Thuận (Mã CTI - HOSE), công ty mẹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Đồng Thuận - chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh thành phố Biên Hoà và Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, vừa có báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017. Trong đó, ghi nhận phần lãi chủ yếu đề từ hoạt động thu phí các tuyến BOT.
Cụ thể, trong quý 3, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch của của CTI đạt 305 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016. Luỹ kế, 9 tháng năm 2017, doanh thu của công ty mẹ đạt 868 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế quý 3 ghi nhận 33,7 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng năm 2017, lợi nhuận CTI ghi nhận 110 tỷ đồng, tăng 26,4% so với 9 tháng năm 2016.
Trong cơ cấu doanh thu trong 9 tháng đầu năm của CTI, đóng góp lớn nhất là doanh thu cung cấp bê tông nhựa nóng, dịch vụ và xây lắp hơn 392 tỷ đồng.
Khoản doanh thu lớn thứ 2 đến từ thu phí BOT đoạn tránh thành phố Biên Hòa hơn 202 tỷ đồng và doanh thu BOT từ trạm thu phí trên Quốc lộ 91 đoạn Km50 889 (BOT Cần Thơ - An Giang) hơn 107,9 tỷ đồng.
Trước đó, 9 tháng năm 2016, trạm BOT tuyến tránh thành phố Biên Hoà thu về 220 tỷ đồng, còn trạm thu phí quốc lộ 91 mang về 43 tỷ đồng.
Như vậy, sau khi trừ đi giá vốn hàng bán, 2 tuyến thu phí này đã mang về cho CTI lần lượt 108 tỷ đồng và 80 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tổng cộng là 188 tỷ đồng, chiếm gần 53% lợi nhuận gộp từ đầu năm.
Dự án tuyến tránh thành phố Biên Hòa và nâng cấp Quốc lộ 1 được đầu tư 1.500 tỷ đồng. Trong đó, đường tránh được xây mới dài 12 km, phần nâng cấp quốc lộ dài 10 km. Mức phí qua trạm khi chưa giảm giá từ 35.000 đến 180.000 đồng, thời gian thu 10 năm.
Cho rằng mức thu phí này quá cao, mới đây, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ để phản đối, khiến chủ đầu tư phải ngừng thu phí. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã giảm 20% giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với tất cả loại vé qua trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa trên Quốc lộ 1 qua huyện Trảng Bom, Đồng Nai.