15:45 18/05/2017

Cử tri Bình Thuận không muốn vay Trung Quốc làm đường sắt Hà Nội - Lào Cai

Nguyên Vũ

Vốn của Chính phủ Trung Quốc đang được sử dụng cho một số dự án của ngành đường sắt

Cử tri đề nghị cân nhắc kỹ vay vốn từ Trụng Quốc để đầu tư cho đường sắt.
Cử tri đề nghị cân nhắc kỹ vay vốn từ Trụng Quốc để đầu tư cho đường sắt.
Gửi kiến nghị đến kỳ họp thứ hai của Quốc hội, cử tri Bình Thuận đề nghị xem xét, cân nhắc kỹ và không chấp nhận vay vốn Trung Quốc để đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, với lý do là nhiều sự cố đã xảy ra từ nguồn vốn vay của Trung Quốc kém hiệu quả.

Hồi âm kiến nghị này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, để từng bước đầu tư, cải tạo nâng cấp các công trình giao thông trong bối cảnh nguồn lực đầu tư trong nước còn nhiều khó khăn, thời gian vừa qua ngành giao thông vận tải đã tiếp nhận nhiều nguồn vốn vay hoặc viện trợ không hoàn lại từ các nhà tài trợ quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á... và từ chính phủ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha,.... 

Các nguồn vốn này đã góp phần thay đổi nhanh chóng diện mạo ngành giao thông vận tải, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

Thông tin từ văn bản trả lời cử tri cũng cho biết, trong lĩnh vực đường sắt, cũng đã sử dụng vốn vay từ các tổ chức, các nhà tài trợ quốc tế như: JICA, ADB, AFD, KfW.... để thực hiện một số dự án như nâng cao an toàn cầu trên tuyến đường sắt Thống Nhất, hiện đại hóa thông tin, tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh giai đoạn 1, cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai giai đoạn 1, hiện đại hóa trung tâm điều hành vận tải... 

Vốn của Chính phủ Trung Quốc được sử dụng cho các dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Vinh - Sài Gòn, giai đoạn 1; dự án hiện đại hóa thông tin, tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội giai đoạn 1 và dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đang được triển khai đầu tư xây dựng. 

Quá trình thực hiện các dự án này về cơ bản đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công công trình, cơ quan trả lời cử tri khẳng định.

Trả lời của Bộ cũng nêu rõ, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề như cử tri đã nêu như chậm tiến độ đưa vào khai thác và phát sinh sự cố. Đối với tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội, hiện nay Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật (viện trợ không hoàn lại) của Chính phủ Trung Quốc để nghiên cứu, lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. 

Bên cạnh đó, với các tuyến đường sắt khác như tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã tiếp nhận nghiên cứu từ Chính phủ Nhật Bản (JICA); tuyến đường sắt Tân Ấp - Mụ Giạ - Vũng Áng tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ Chính phủ Hàn Quốc hoặc về thể chế phát triển ngành đường sắt. Bộ cũng đã tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới... 

"Như vậy, có thể thấy thời gian qua Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu, đề xuất nhiều nhà tài trợ khác nhau để phát triển lĩnh vực đường sắt. Bộ sẽ lưu ý, cân nhắc ý kiến phản ánh của cử tri trong quá trình tham mưu trình Chính phủ về việc sử dụng nguồn vốn vay cho các dự án nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư", văn bản trả lời kiến nghị phản ánh.

Cùng trong lĩnh vực giao thông, cử tri Hà Nội đề nghị xem xét việc vay vốn đầu tư và chất lượng thi công khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.

Hồi âm từ hai bộ Giao thông Vận tải và Kế hoach và Đầu tư nêu, hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn theo hình thức BOT, quy mô 4 làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2018 nên sẽ không vay vốn ODA Trung Quốc để đầu tư. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải hiểu rằng cử tri đề nghị cân nhắc vay vốn ODA Trung Quốc để đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. 

Trước đây, do nhu cầu cần thiết phải đầu tư tiếp đoạn cao tốc từ Vân Đồn – Móng Cái (khoảng 90km), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với phía Trung Quốc để nghiên cứu khoản vay ưu đãi bên mua 300 triệu USD cho dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. 

Tuy nhiên, do các điều kiện vay của khoản vay này kém ưu đãi và để đáp ứng tiến độ đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 10837/VPCP-KTN ngày 14/12/2016 giao UBND tỉnh Quảng Ninh là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để huy động vốn và triển khai đầu tư tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đang lập đề xuất đầu tư dự án để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư tuyến đường - hai bộ hồi âm cử tri.