09:42 22/04/2008

Cuộc chiến kem: Khi Wall’s trở lại

Kem Wall’s đã quay lại sau 5 năm vắng bóng, khởi đầu cho một cuộc chiến giành thị phần của các nhãn kem trên thị trường Việt Nam

Việc Công ty Metro Cash & Carry Vietnam bắt đầu nhập khẩu nhãn kem Wall’s từ Thái Lan vào Việt Nam để phân phối rộng khắp đang đẩy nhiều nhà sản xuất kem trong nước như kem Bờ Hồ Hà Nội, kem Kido’s, kem Fanny và một số loại kem nhập khẩu từ Hàn Quốc, New Zealand… vào thế buộc phải cạnh tranh quyết liệt hơn.
Việc Công ty Metro Cash & Carry Vietnam bắt đầu nhập khẩu nhãn kem Wall’s từ Thái Lan vào Việt Nam để phân phối rộng khắp đang đẩy nhiều nhà sản xuất kem trong nước như kem Bờ Hồ Hà Nội, kem Kido’s, kem Fanny và một số loại kem nhập khẩu từ Hàn Quốc, New Zealand… vào thế buộc phải cạnh tranh quyết liệt hơn.
Kem Wall’s đã quay lại sau 5 năm vắng bóng, khởi đầu cho một cuộc chiến giành thị phần của các nhãn kem trên thị trường Việt Nam.

Sự trở lại của Wall’s

Trao đổi với báo giới cách đây 5 năm, liên quan đến việc Kinh Đô mua lại hãng kem Wall’s của Unilever Việt Nam, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô khi đó, cho biết theo hợp đồng, Kinh Đô được quyền sử dụng thương hiệu kem Wall’s đến hết năm 2004 và trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng này, nếu Kinh Đô không sản xuất kem thì cũng không được bán thiết bị, công nghệ cho đối thủ cạnh tranh của Wall’s. Sau 5 năm, nếu Wall’s trở lại Việt Nam thì Kinh Đô sẽ là đối tác ưu tiên số một trong vấn đề hợp tác sản xuất kinh doanh.

Trước đây, Kinh Đô từng hy vọng với gần 115 nhà phân phối và gần 4.000 điểm bán lẻ trên cả nước sẵn có của kem Wall’s (chiếm khoảng 50% thị phần kem tại Việt Nam) mà Unilever đã mất sáu năm xây dựng, họ sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường kem.

Nếu tính luôn cả vốn đầu tư xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi và quảng bá thương hiệu thì tổng chi phí Unilever đã bỏ ra lên đến khoảng 20 triệu đô la Mỹ, chưa kể Kinh Đô được “thừa hưởng” gần 130 công nhân thạo nghề và được đào tạo bài bản của Unilever. Bên cạnh gần 20.000 điểm kinh doanh sản phẩm của Kinh Đô (siêu thị, bakery, cửa hàng nhỏ) mà Kinh Đô đang có, lợi thế quả là không nhỏ cho Kinh Đô trong việc đem thương hiệu kem mới ra đời Kido’s đến với người tiêu dùng, đặc biệt là các bạn trẻ.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 5 năm về trước. Giờ đây, người ta thấy các tủ kem Wall’s bắt đầu xuất hiện trở lại trên thị trường ngày càng nhiều, đâu đâu cũng có, từ quán tạp hóa nhỏ ven đường đến các tiệm Internet, trường học… Nhiều đến nỗi những bạn trẻ một thời quen với hương vị và tiếng nhạc “không có tiền thì không có kem” của Wall’s, dường như không còn nhớ gì đến cái “khoảng lặng” là sự vắng bóng trong suốt 5 năm qua của Wall’s.

Với biểu tượng trái tim xoắn ốc cách điệu, kem Wall’s quay trở lại Việt Nam bằng khẩu hiệu “Love milk Love fruit Love Chocolate” (tạm dịch là “Yêu sữa, yêu trái cây và yêu cả chocolate) với gần 20 loại kem khác nhau như Cornetto, Yakoo, Pinky, Topten, Paddle Pop… với giá kem cây thấp nhất là 3.500 đồng/cây, kem hộp khoảng 12.000 đồng/hộp.

Vẫn chưa có hồi kết

Việc Công ty Metro Cash & Carry Vietnam bắt đầu nhập khẩu nhãn kem Wall’s từ Thái Lan vào Việt Nam để phân phối rộng khắp đang đẩy nhiều nhà sản xuất kem trong nước như kem Bờ Hồ Hà Nội, kem Kido’s, kem Fanny và một số loại kem nhập khẩu từ Hàn Quốc, New Zealand… vào thế buộc phải cạnh tranh quyết liệt hơn.

Nhiều chủ cửa hàng tạp hóa cho biết dường như từ lúc kem Wall’s quay trở lại với giá cả khá bình dân, nhiều học sinh và không ít bạn trẻ đang dần quay lại với “người bạn Wall’s năm xưa”.

Chị Yến, chủ cửa hàng tạp hóa Hạnh Yến trên đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, Tp.HCM, cho biết chị đã bán kem Wall’s được gần hai tháng nay. Nhà chị Yến nằm cách trường học đến vài chục mét nhưng học sinh đến mua kem Wall’s rất nhiều. Điều kiện để được nhà phân phối đặt tủ kem, theo chị Yến, cũng khá dễ dàng. Chỉ cần gọi điện thoại, sẽ có nhân viên đến khảo sát vị trí quán, chủ quán cam kết mua 1 triệu đồng tiền kem ban đầu là được nhà phân phối kem Wall’s cho mượn tủ kem để có thể bán ngay.

Nếu như thương hiệu kem Wall’s trước đó đã quen thuộc với các sản phẩm kem ăn Paddle Pop chocolate, dâu, trái cây, vani..., thì trong lần tái ngộ này, Wall’s lại xuất hiện với những loại kem mới bên cạnh những loại kem một thời khó quên đối với nhiều bạn trẻ để tiếp tục chinh phục khẩu vị của họ.

Đoán trước sự trở lại này, kem Kido’s cũng không chịu lép vế trước người anh em cũ Wall’s bằng chiến lược tiếp tục đa dạng hơn nữa những sản phẩm mới như milki, milki mini, kem hũ với đủ các hương vị. Đặc biệt là loại kem cao cấp Celano với hình ảnh cô gái xinh đẹp đang ăn kem có giá 40.000 đồng/hộp, bên cạnh đó còn có kem Merino có giá mềm hơn, khoảng 16.000 đồng/hộp.

Chị Võ Thị Ngọc Diệu, Trưởng quầy Đông lạnh, Siêu thị Maximark Cộng Hòa, cho biết tuy giá hơi cao nhưng kem Celano và Merino của Kido’s được tiêu thụ khá mạnh tại siêu thị thời gian gần đây, khoảng hai ngày là chị phải nhập hàng một lần với số lượng tương đối lớn.

Trong khi đó, các loại kem nhập từ New Zealand và Hàn Quốc cũng chẳng chịu thua kém. Với những hương vị kem đặc trưng, không giống hương vị của các loại kem trong nước, các sản phẩm ngoại nhập này đã thu hút được một số đối tượng khách hàng dù giá khá cao, khoảng 12.000 đồng/cây và trên 100.000 đồng/hộp. Ngoài ra, kem Fanny được sản xuất tại khu công nghiệp Việt Hương ở Bình Dương theo công nghệ và dây chuyền của Pháp cũng được khách hàng yêu thích.

Cuộc chiến âm thầm diễn ra trên thị trường hiện nay không chỉ giữa kem được sản xuất trong nước và kem ngoại nhập, bên cạnh đó còn có sự so kè quyết liệt giữa các loại kem nội như kem Vinamilk, kem Bờ Hồ Hà Nội và một số thương hiệu đã có từ lâu như kem Thiên Lý với giá bán, chất lượng được xem như “kẻ tám lạng, người nửa cân”.

Theo chị Diệu, trong số các loại kem sản xuất trong nước thuộc hàng “bình dân” thì chỉ có kem Vinamilk là bán chạy nhất vì chất lượng và mẫu mã không hề thua kém kem ngoại, bằng chứng là riêng tại siêu thị Maximark Cộng Hòa, kem Vinamilk được nhập vào siêu thị liên tục, có ngày nhập đến 10 thùng vẫn không đủ bán. Riêng kem Bờ Hồ Hà Nội đến từ miền Bắc, tuy giá bán tương đối rẻ, 35.000 đồng/hộp 10 cây, nhưng là loại kem bán chậm nhất. Song kem Bờ Hồ Hà Nội vẫn cầm cự trong cuộc chiến với các loại kem khác trong siêu thị này được một thời gian khá lâu.