22:12 22/11/2009

Đã hoàn thiện văn bản hướng dẫn về repo

Hoàng Vũ

Sau một thời gian tạm ngừng, hoạt động repo chứng khoán có thể sớm được mở lại khi văn bản hướng dẫn đã chính thức hoàn thiện

Các sản phẩm repo, ký quỹ và các quy định về giao dịch, kỳ thanh toán T+... đang là mối quan tâm của nhà đầu tư với những ý kiến khác nhau - Ảnh: Quang Liên.
Các sản phẩm repo, ký quỹ và các quy định về giao dịch, kỳ thanh toán T+... đang là mối quan tâm của nhà đầu tư với những ý kiến khác nhau - Ảnh: Quang Liên.
Sau một thời gian tạm ngừng, hoạt động repo chứng khoán có thể sớm được mở lại khi văn bản hướng dẫn đã chính thức hoàn thiện.

Bên lề sự kiện phiên giao dịch thứ 1.000 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tuần qua, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ repo chứng khoán đã được cơ quan này chính thức hoàn thiện và trình Bộ Tài chính ngay trong tuần để sớm xem xét thông qua.

Nếu quá trình trên được đẩy nhanh, nghiệp vụ repo chứng khoán được mở lại sau một thời gian ngừng triển khai. Cuối tháng 6/2009, Ủy ban Chứng khoán có văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán phải ngừng ký mới hợp đồng như yêu cầu đưa ra 1 tháng trước đó.

Repo (repurchase agreement) được hiểu là nghiệp vụ mua bán có kỳ hạn. Nhà đầu tư bán cổ phiếu cho công ty và cam kết sẽ mua lại cổ phiếu đó trong khoảng thời gian nhất định, thường từ 3 hoặc 6 tháng. Nếu nhà đầu tư cần vốn nhưng không muốn bán hẳn số chứng khoán mình hiện có, họ có thể tham gia hợp đồng repo, bán chứng khoán mình đang sở hữu (không phải chứng khoán niêm yết) cho công ty với một mức giá chiết khấu để có vốn đầu tư chứng khoán. Đây cũng là nghiệp vụ được xem là góp phần hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Ngoài repo, ông Vũ Bằng cũng cho biết Ủy ban Chứng khoán đang dự thảo thông tư về giao dịch ký quỹ (mua chứng khoán mà trong đó nhà đầu tư chỉ thực có một phần tiền, phần còn lại do công ty chứng khoán cho vay), đã tổ chức lấy ý kiến các thành viên thị trường và sẽ trình Bộ Tài chính trong thời gian sớm nhất.

Văn bản tiếp theo mà ông Bằng đề cập đến là liên quan đến quy chế về giao dịch, quy định về đặt lệnh, có xem xét đến việc nhà đầu tư có thể cùng mua bán một loạt chứng khoán trong phiên, có thể được mở nhiều tài khoản…

“Những văn bản trên đề cập đến nhiều nội dung mới và sẽ ảnh hưởng nhiều mặt đến thị  trường. Đó là tính thanh khoản sẽ cao hơn, tính linh hoạt của thị trường tốt hơn, nhưng nó cũng sẽ tạo ra những vấn đề về quản lý, đó là tính an toàn nên Bộ Tài chính cũng đang phải cân nhắc rất kỹ”, ông Bằng nói.

Theo đó, khi xây dựng và tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện những văn bản trên, Ủy ban Chứng khoán cũng đã tiến hành nghiên cứu quy định ở các thị trường khác nhau, xem xét thận trọng để có những quy định hợp lý.

“Để thực hiện các sản phẩm mới trên thì tính an toàn tài chính của các công ty chứng khoán là hết sức cần thiết. Bản thân các công ty chứng khoán, trải qua các sóng gió của thị trường vừa qua, cũng đã thận trọng hơn. Tuy nhiên, do sức ép cạnh tranh, khách hàng nên chúng tôi cũng phải nhìn nhận là cần phải có hành lang pháp lý về vấn đề này và kiểm soát chặt chẽ các rủi ro, tránh gây ảnh hưởng đến thị trường, đến công ty chứng khoán, cũng như nhà đầu tư”, ông Bằng nói thêm.