13:00 25/10/2024

Đà Nẵng, cơ hội đầu tư và phát triển trong thời đại mới

Ngô Anh Văn

Đà Nẵng đã quan tâm, ưu tiên, tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; đưa vào sử dụng nền tảng, hệ thống chính quyền điện tử từ năm 2014, thí điểm triển khai các ứng dụng thông minh và triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh vào năm 2018. Đặc biệt, từ năm 2021, Đà Nẵng đã triển khai Nghị quyết và Đề án chuyển đổi số theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia...

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Ngô Anh Văn
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Ngô Anh Văn

Với chủ đề “Đà Nẵng - Thành phố xanh và bền vững - cơ hội đầu tư và phát triển thương mại trong thời đại mới”, ngày 25/10 tại Cung hội nghị Quốc tế Furama Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo Quốc gia về Chính phủ số: Lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu năm 2024.

Sự kiện được tổ chức bởi Sở thông tin và truyền thông Đà Nẵng phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam cùng Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Hội Vô Tuyến điện tử Việt Nam ( REV), Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA).

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho biết từ những năm 2000, Đà Nẵng đã quan tâm, ưu tiên, tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; đưa vào sử dụng nền tảng, hệ thống chính quyền điện tử từ năm 2014, thí điểm triển khai các ứng dụng thông minh và chính thức triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh vào năm 2018. Đặc biệt, từ năm 2021, Đà Nẵng đã triển khai Nghị quyết và Đề án chuyển đổi số theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Hiện nay, chính quyền TP. Đà Nẵng đã cung cấp dịch vụ công thuận tiện hơn cho người dân, doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong hoạt động công vụ và bắt đầu sử dụng dữ liệu số trong chỉ đạo, điều hành và quản lý đô thị.

Kinh tế số phát triển nhanh và đóng góp đáng kể cho GRDP thành phố; cụ thể: năm 2023 kinh tế số đóng góp 20,7% GRDP (vượt mục tiêu năm 2025 đề ra là 20%), có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình cả nước).

Theo kiểm tra, đo lường và công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 8/2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của TP. Đà Nẵng cao nhất cả nước với 95% (trung bình các tỉnh, thành là 55%); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình các tỉnh, thành là 17%); được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ghi nhận, đánh giá cao và đã triển khai Hội thảo toàn quốc chuyên đề về dịch vụ công trực tuyến tại thành phố Đà Nẵng ngày 31/8/2024, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu khai mạc hội thảo.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu khai mạc hội thảo.

Mục tiêu của Đà Nẵng đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN” theo Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045); và “Kinh tế số chiếm khoảng 35 - 40% GRDP” theo Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, mới đây, tháng 6/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; trong đó có các cơ chế, chính sách đột phá nhằm phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh như: thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin; thu hút chuyên gia, nhà khoa học, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo;...

Theo Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thị Anh Thi, trong bối cảnh hiện nay, sáng kiến tổ chức Hội thảo quốc gia về chính phủ số và tôn vinh các lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu hằng năm là nguồn động viên, khích lệ quý giá, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác chuyển đổi số, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới…

Tại hội thảo Quốc gia về Chính phủ số 2024, nhiều nội dung đáng chú ý như Giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị thông minh tại địa phương; Thách thức và Cơ hội trong Quy hoạch Đô thị Thông minh tại các siêu đô thị; Quản lý đô thị thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị; Trục phát triển Hợp đồng điện tử Việt Nam; Quản trị rủi ro công nghệ và an ninh mạng trong chiến lược phát triển đô thị hiện đại; Kinh nghiệm xây dựng mô hình quản trị và vận hành dữ liệu quốc gia; Giáo dục hòa nhập cho xã hội số.

Ngoài ra, còn có 2 phiên thảo luận chuyên đề với nội dung “Tầm quan trọng và hiệu quả của người lãnh đạo tiên phong trong chuyển đổi số” và “Số hóa ngành giáo dục - khai thác dữ liệu và tạo dựng giá trị bền vững”.

Tham dự hội thảo còn có 20 diễn giả là chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị quản lý nhà nước về chính phủ số, các đơn vị giáo dục, tư vấn và xây dựng giải pháp công nghệ trong nước và quốc tế tham gia báo cáo, trình bày tại hội thảo với các chủ đề tiêu biểu như: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp dựa trên dữ liệu; Báo cáo khảo sát sự hài lòng và trải nghiệm của người dân đối với dịch vụ công: Kinh nghiệm và tham khảo của Vương quốc Anh và đất nước Hồi giáo Malaysia.

Bên cạnh đó là các tham luận về Khung kiến trúc trí thông minh nhân tạo hybrid ứng dụng hiệu chỉnh nhu cầu chuyến đi trong mạng lưới giao thông đô thị theo thời gian thực khi có gián đoạn; Quản lý đô thị thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị; Trục Phát triển Hợp đồng điện tử Việt Nam; Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh: những thách thức mới và giải pháp đồng bộ; Tăng cường an ninh và bảo mật trong trung tâm dữ liệu: Chiến lược và Giải; Xây dựng hạ tầng số sẵn sàng cho chuyển đổi số; Quản trị rủi ro công nghệ và an ninh mạng trong chiến lược phát triển đô thị hiện đại.

Nền tảng số cho AI; Giáo dục hòa nhập trong xã hội số; Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo đẩy mạnh Chuyển đổi Số theo định hướng Giáo dục Thông minh; Hợp tác doanh nghiệp và trường đại học trong đào tạo nhân lực và triển khai dự án ứng dụng AI và chuyển đổi số; Những điều cốt lõi trong chuyển đổi số giáo dục đại học… cũng là những chủ đề được bàn luận.