Đà Nẵng siết kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại
Trong quý 1, Ban Chỉ đạo 389 Đà Nẵng xử lý 451 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 54 tỷ đồng. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các đầu mối giao thông dự báo sẽ tiếp tục phức tạp...
Đoàn công tác Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa làm việc với Cơ quan Thường trực, một số thành viên Ban Chỉ đạo 389 TP. Đà Nẵng để nắm tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn thành phố và thực hiện công văn số 35 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về nắm tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, kinh doanh hàng hóa nhập lậu tại các tỉnh, thành phố miền Trung.
Đoàn công tác do Phó Chánh Văn phòng Thường trực Trịnh Mạnh Cường làm trưởng đoàn.
Đoàn công tác tiến hành khảo sát, nắm tình hình tại khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng Đà Nẵng, khu công nghiệp Hòa Khánh - Liên Chiểu và cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Đồng thời, trao đổi, làm việc với Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cửa khẩu cảng Đà Nẵng, các Chi cục Hải quan: cửa khẩu cảng Đà Nẵng, khu công nghiệp Hòa Khánh - Liên Chiểu, cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng về tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu cảng biển, cửa khẩu sân bay, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố...
Từ năm 2021 đến nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TP. Đà Nẵng diễn biến không phức tạp, không phát sinh điểm nóng.
Kết quả từ năm 2021 đến hết quý 1/2022, các sở, ngành, đơn vị, địa phương thuộc Ban Chỉ đạo 389 TP. Đà Nẵng kiểm tra, phát hiện 2.895 vụ; xử lý hình sự 17 vụ, 23 đối tượng; xử lý hành chính 2.598 vụ, 813 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước gần 250 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đoàn công tác Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá, tại một số thời điểm, tại một số địa bàn khu vực biên giới, cửa khẩu cảng biển, địa bàn nội địa trọng điểm của thành phố, các đối tượng lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu, chuyển khẩu, chuyển cảng, quá cảnh, hoạt động vận chuyển hàng qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh, thương mại điện tử… để buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, mua bán, vận chuyển hàng cấm, tàng trữ, sản xuất, kinh doanh hàng không hóa đơn, chứng từ, hàng có nguồn gốc nước ngoài nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…
Nổi lên là các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép và trung chuyển hàng cấm như ma túy, thuốc lá ngoại, sản phẩm động vật hoang dã trên tuyến đường bộ, cửa khẩu cảng Đà Nẵng. Được biết, cảng Đà Nẵng là nơi trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn tiềm ẩn yếu tố khó lường.
Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc như rượu, bia, sữa, vật tư y tế các loại trên tuyến đường bộ, đường sắt.
Tình trạng lợi dụng hoạt động chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ như thuốc lá, mỹ phẩm, quần áo, giày dép… trên tuyến đường bộ và địa bàn nội địa.
Trong đó, năm 2021, xử lý 2.147 vụ, thu nộp ngân sách gần 195 tỷ đồng.
Quý 1/2022, xử lý 451 vụ, thu nộp ngân sách hơn 54 tỷ đồng.
Trưởng đoàn công tác lưu ý trong thời gian tới, dự báo trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, chuyển khẩu, chuyển cảng, quá cảnh, vận chuyển hàng qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh, thương mại điện tử… sẽ sôi động trở lại.
Theo đó, các đối tượng sẽ triệt để lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các vùng biển, cửa khẩu cảng biển, cửa khẩu sân bay, tuyến đường bộ, tuyến đường sắt…
Đồng thời, sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các địa bàn nội địa.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ thường xuyên cập nhật, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, thông báo những phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mới; tham mưu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu, cảng biển và hoạt động kinh doanh hàng hóa xuất xứ nước ngoài nhập lậu Việt Nam trong thời gian tới.