10:30 01/11/2024

Đai biểu Quốc hội đề nghị tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với học sinh

Nhật Dương

Cho rằng học sinh là đối tượng phụ thuộc chưa có thu nhập, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho nhóm này. Đồng thời, được lựa chọn hình thức đóng theo hộ gia đình thay vì theo nhà trường như luật hiện hành...

Tuyên truyền tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh. Ảnh: Duy Nguyễn.
Tuyên truyền tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh. Ảnh: Duy Nguyễn.

Nội dung này là góp ý của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, chiều 31/10. 

Quan tâm về các chính sách liên quan đến bảo hiểm y tế đối với học sinh, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn tỉnh Đắk Nông, cho biết nhóm này thuộc đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng. Tuy nhiên quá trình triển khai trong thực tiễn còn phát sinh một số bất cập, cần xem xét, điều chỉnh.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng dẫn chứng, hiện nay việc thu tiền để mua bảo hiểm y tế cho học sinh được các nhà trường thực hiện. “Song theo phản ánh của một số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, việc giáo viên được giao nhiệm vụ này rất áp lực, nhiều lúc phải năn nỉ phụ huynh, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian, tâm trí cho công tác giảng dạy, chưa kể đến việc không đạt được chỉ tiêu, ảnh hưởng đến đánh giá phân loại thi đua, khen thưởng. Thậm chí có những xung đột không đáng có giữa giáo viên và phụ huynh”, bà Hằng ví dụ.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Quochoi.vn.

Bên cạnh đó, có những phụ huynh còn chưa rõ quy định mua bảo hiểm y tế đối với học sinh, nghĩ nhà trường bán là có lợi, hoa hồng, vì thế gây trở ngại nhất định đến việc mua bảo hiểm cho học sinh tại trường học.

Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi quy định về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo hướng bỏ quy định việc nhà trường thu tiền để thực hiện thủ tục mua bảo hiểm y tế cho học sinh. Trách nhiệm này nên được giao cho chính quyền địa phương, cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Nhà trường chỉ có trách nhiệm cung cấp danh sách học sinh cho cơ quan Bảo hiểm và thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh trong việc mua bảo hiểm y tế. Theo đại biểu, việc này để các thầy cô giáo yên tâm công tác, tập trung cho nhiệm vụ dạy học.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu để lựa chọn hình thức đóng phù hợp, có thể có phương án để học sinh được tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, trong đó vừa được Nhà nước hỗ trợ đóng, và được giảm trừ mức đóng theo thứ tự. 

Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần xem xét nâng mức hỗ trợ đóng cho nhóm học sinh, vì đây là đối tượng phụ thuộc, chưa làm ra của cải, vật chất, người mua là phụ huynh. “Một số gia đình đông con, việc mua bảo hiểm y tế cho con cái cũng rất khó khăn”, nữ đại biểu đoàn Đắk Nông cho hay.

Đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế với đối tượng là học sinh, sinh viên cũng là góp ý của đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, đoàn tỉnh Thái Bình. Theo đó, đại biểu đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng lên 50% và đóng theo cơ sở giáo dục đào tạo, mà không để tự lựa chọn hình thức đóng. Như vậy sẽ kéo theo 2,8% số học sinh, sinh viên còn lại chưa tham gia, sẽ tham gia bảo hiểm y tế. 

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Châu Quỳnh Dao, đoàn tỉnh Kiên Giang cho rằng mức đóng của học sinh, sinh viên hiện bằng 4,6% mức lương cơ sở, vẫn cao so với thu nhập của người dân. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giữ theo quy định hiện hành; kiến nghị Nhà nước tiếp tục tăng mức hỗ trợ ngân sách Nhà nước tối thiểu là 50% cho các học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.

Tranh luận vấn đề đóng bảo hiểm y tế cho học sinh theo hộ gia đình hay theo đơn vị trường học, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn tỉnh Bến Tre, cho biết qua các cuộc tiếp xúc cử tri cũng thường xuyên nhận được ý kiến kiến nghị về đối tượng này nên quy định theo hướng có quyền lựa chọn tham gia ở nhà trường, hoặc theo hộ gia đình. 

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn tỉnh Bến Tre. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn tỉnh Bến Tre. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi thông tin, theo quy định của luật hiện hành, đối tượng này được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. Còn với đối tượng đóng theo hộ gia đình, người thứ hai chỉ đóng 70%, người thứ ba chỉ đóng 60%, người thứ tư đóng 50% và người thứ năm trở đi đóng 40%. Hiện luật quy định đối tượng học sinh, sinh viên chỉ được tham gia theo đơn vị nhà trường mà không được tham gia theo hộ gia đình.

Do đó, đại biểu đề nghị tăng mức hỗ trợ với đối tượng này để giảm chi phí của gia đình phải đóng, mà không cần quy định lựa chọn phương thức đóng.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Duy Minh, đoàn TP. Đà Nẵng cũng cho rằng học sinh, sinh viên thuộc nhóm đối tượng đóng tại đơn vị trường học, nhưng trên thực tế quy định này có những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện.

Theo đại biểu, quy định tham gia bảo hiểm y tế là bắt buộc nhưng lại không có chế tài để xử lý khi học sinh, sinh viên không tham gia đóng bảo hiểm y tế.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh, đoàn TP. Đà Nẵng. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh, đoàn TP. Đà Nẵng. Ảnh: Quochoi.vn.

“Xét cho cùng thì học sinh, sinh viên vẫn lệ thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình. Việc điều chỉnh về mức đóng theo hộ gia đình sẽ tạo được sự công bằng và không còn so sánh như hiện nay đang xảy ra. Đồng thời, ngân sách Nhà nước cũng không cần phải nâng lên 50% để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên”, đại biểu nêu quan điểm. 

Ngoài ra, để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên, đại biểu TP. Đà Nẵng đề nghị tiếp tục phân bổ kinh phí theo số lượng học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế tại từng trường.