05:59 01/06/2023

Đại biểu Quốc hội kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra tập trung loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư

Trâm Anh

Theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, nguồn cơn dẫn đến nhiều bức xúc, kiện cáo tranh chấp về bảo hiểm nhân thọ vừa qua do sự thiếu minh bạch trong tư vấn. Hơn nữa, hợp đồng bảo hiểm thường dài từ 70-100 trang là sản phẩm tài chính phức tạp, đẩy sự thua thiệt về phía người mua...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Bộ Tài chính tiến hành thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Bộ Tài chính tiến hành thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Trong phiên họp thảo luận tại hội trường sáng ngày 31/5 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, khẳng định đến lúc cần nghiêm túc xem xét những vấn đề của bảo hiểm nhân thọ, để tính nhân văn của loại hình bảo hiểm này không bị ảnh hưởng bởi những đối tượng cố tình vi phạm để trục lợi.

TRANH CHẤP, BỨC XÚC DO TƯ VẤN MẬP MỜ, THIẾU MINH BẠCH

Quan tâm đến lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy phản ánh, về bản chất, bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ con người, giảm thiểu những mất mát, thiệt hại trước những rủi ro liên quan đến tính mạng, sức khỏe, ốm đau, bệnh tật.

Tuy nhiên, "sau nhiều kiện cáo, bức xúc của khách hàng được đăng tải công khai thời gian vừa qua khiến cho dư luận không khỏi nghi ngại", đại biểu Nguyễn Thị Thủy bày tỏ.

Vừa qua, nhiều tờ báo đăng tải các bài để chỉ cách cho người dân tránh rủi ro khi mua bảo hiểm nhân thọ. Điều này cho thấy đến lúc cần nghiêm túc xem xét vấn đề này, để những giá trị cốt lõi nhân văn của bảo hiểm nhân thọ không bị ảnh hưởng bởi những đối tượng cố tình vi phạm để trục lợi.

 

"Hợp đồng bảo hiểm thường dài khoảng từ 70 - 100 trang là sản phẩm tài chính phức tạp, với nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà sự thua thiệt sẽ chủ yếu nằm về phía người mua. Hơn nữa, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây thường dưới dạng liên kết đầu tư nên càng phức tạp", đại biểu Nguyễn Thị Thủy quan ngại.

Về đội ngũ tư vấn viên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh đây là khâu mấu chốt dẫn đến nhiều kiện cáo tranh chấp vừa qua.

Chính vì tính chất rất phức tạp của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nên mới cần đến đội ngũ tư vấn viên.

Tuy nhiên, "không ít tư vấn viên cố tình tư vấn mập mờ, thậm chí là sai lệch về sản phẩm mạo hiểm. Không ít tư vấn viên chỉ nói cho khách hàng về những quyền lợi mà họ được hưởng, không chỉ rõ cho khách hàng về những điều khoản ràng buộc, những điều khoản bất lợi…", đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn phản ánh thực tế.

Đây chính là nguồn cơn dẫn đến nhiều bức xúc vừa qua do sự thiếu minh bạch trong tư vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đặt vấn đề có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng mà cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên?
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đặt vấn đề có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng mà cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên?

Về công ty bảo hiểm và các đại lý bảo hiểm, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, bên cạnh những công ty làm ăn uy tín thì thời gian vừa qua có phát sinh nhiều vấn đề.

Dư luận cũng đặt câu hỏi là có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng mà cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, của các đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng.

Khi một bên là công ty bảo hiểm chuyên nghiệp, một bên là người mua không chuyên nghiệp mà đẩy hết trách nhiệm cho phía người mua, rõ ràng không hợp lý, cả về lý và tình. 

Chỉ rõ tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng có rất nhiều việc cần phải làm để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ để người dân hiểu đúng tin tưởng và không cảm thấy mạo hiểm khi mua bảo hiểm.

CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC ĐẠI LÝ, RÀ SOÁT TOÀN BỘ QUY TRÌNH 

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Bộ Tài chính tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Đồng thời, "kiến nghị Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không có dấu hiệu của tội lừa đảo hoặc là tội lừa dối khách hàng. Các công ty bảo hiểm đến lúc cần rà soát lại toàn bộ các khâu của quá trình bảo hiểm từ khâu thiết kế hợp đồng đến tư vấn, ký kết hợp đồng và giải quyết khiếu nại của khách hàng", đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị thẳng thắn.

Chỉ khi thực sự minh bạch và thành tâm, người dân mới không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ. 

Bảo hiểm liên kết đầu tư là một dòng sản phẩm bảo hiểm phi truyền thống được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam cung cấp cùng với 6 dòng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống, bao gồm: bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí.

Vượt qua ranh giới bảo vệ rủi ro truyền thống như: tử vong, ốm đau, bệnh tật, tai nạn, thai sản hoặc những bệnh hiểm nghèo xảy ra dẫn đến mất khả năng lao động tạm thời, vĩnh viễn…; bảo hiểm liên kết đầu tư là một loại hình bảo hiểm nhân thọ gắn thêm chức năng đầu tư, nhằm gia tăng tài sản cho người mua trong tương lai.

 

Theo thống kê, doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ các hợp đồng có hiệu lực như: năm 2020 chiếm 63,02%, năm 2021 là 68,27% và năm 2022 lên tới 71,7%. 

Nếu tính trên các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới toàn thị trường, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng đến 89,81% và 90,13% lần lượt vào năm 2020, 2021.

Về xu hướng tăng trưởng các loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư, theo đánh giá của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đơn vị (khách hàng chủ động lựa chọn các quỹ đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm theo khẩu vị đầu tư của mình) có xu hướng tăng trưởng mạnh.

Trong khi đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chung (khách hàng hưởng kết quả từ hoạt động kinh doanh đầu tư chung của doanh nghiệp bảo hiểm) có xu hướng sụt giảm.

Cụ thể, năm 2022, số lượng hợp đồng khai thác mới của bảo hiểm liên kết chung đạt khoảng 1,24 triệu hợp đồng, giảm khoảng 20% so với 2021. Phí khai thác mới cũng giảm khoảng 14%, đạt khoảng 21.841 tỷ đồng.

Trong khi đó, dòng bảo hiểm liên kết đầu tư đơn vị có dấu hiệu tăng nóng tới 57% so với 2021, đạt trên 747 nghìn hợp đồng, với doanh thu phí đạt khoảng 21,7 nghìn tỷ đồng tăng ấn tượng trên 31%.

Bảo hiểm liên kết đầu tư được coi như "con gà đẻ trứng vàng" cho các doanh nghiệp bảo hiểm, chiếm tỷ trọng áp đảo trong phí khai thác mới hàng năm, với tốc độ tăng trưởng "nóng", tuy nhiên, theo giới chuyên gia, do việc quản lý đại lý bảo hiểm thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài nghiêm khắc ở một vài công ty khiến cả thị trường bảo hiểm nhân thọ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường, gây giảm sút niềm tin nghiêm trọng.

Chính vì vậy, các công ty bảo hiểm cần chấn chỉnh lại công tác quản lý đại lý, liên quan đến tuyển đại lý, đào tạo, huấn luyện đại lý, không chỉ về kiến thức, thái độ mà điều quan trọng và tư vấn rõ ràng, minh bạch, đem lại giá trị thực sự cho khách hàng.