03:42 11/02/2010

Đại gia cũng khóc

Họ cũng là con người bình thường như bao người khác. Vậy nên, khi họ “khóc” thì cũng cần có ai đó lắng nghe họ

Chính sách thay đổi bất thình lình, nhà đầu tư khó mà lường trước để trở tay.
Chính sách thay đổi bất thình lình, nhà đầu tư khó mà lường trước để trở tay.
Nền kinh tế nước ta đã vượt qua tâm bão và đang hồi phục. Đó là tin vui giúp các nhà đầu tư lạc quan hơn về tương lai của Việt Nam và về công việc làm ăn của mình.

Tuy nhiên, qua cơn bão kinh tế vừa rồi, trong họ vẫn còn đọng lại không ít nỗi niềm.

Những ngày khó khăn…

1. Ông Kim, chủ một doanh nghiệp, có nhiều xưởng ở Hàn Quốc. Ở Việt Nam, xưởng may của ông rộng gần 2ha, với hàng ngàn công nhân chuyên gia công hàng xuất khẩu. Ngày đầu tiên gặp nhau, ông gây ấn tượng mạnh bởi tài lái xe hơi rành rẽ mọi nẻo đường như người Việt. Ông hút thuốc bằng tẩu mạ vàng, nhả khói thường hay nheo mắt, vẻ hài lòng và mãn nguyện với thành quả kinh doanh của mình. Hai năm tư vấn cho công ty ông, chưa bao giờ tôi thấy một khách hàng nào đó phàn nàn về ông, dù chỉ một lần.

Vậy mà, một tối muộn, ông đến, không thấy xe, không tẩu. Ông trình bày, do khủng hoảng kinh tế, đơn hàng cũ bị huỷ, đơn hàng mới không có, đối tác nước ngoài quỵt tiền. Xưởng may tạm đóng cửa; lương công nhân: nợ; tiền điện: nợ; tiền thuê nhà ở cũng nợ. Ông xoay xở bán xe để trả tạm lương cho công nhân. Cả chiếc lắc tay, kỷ niệm của người vợ quá cố, ông cũng bán nốt. Đau nhất là cơ quan nhà nước đề xuất tạm giữ hộ chiếu, niêm phong tài sản trong xưởng may, vì sợ ông tẩu tán tài sản hoặc bỏ trốn về nước. Ông cúi đầu khóc. Đôi vai run run…

2. Ông Nguyễn, Việt kiều, về nước làm ăn hơn mười năm nay, đầu tư vào bất động sản. Thời sốt đất, những dự án công ty ông làm bán chạy như tôm tươi. Tiền thu được, lại dùng để tái đầu tư. Hàng chục dự án tập trung vào cao ốc văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp.

Làm bất động sản mấy ai không vay ngân hàng. Đùng một cái, để hạ sốt, đề phòng tình trạng “bong bóng”, ngân hàng siết chặt cho vay đầu tư bất động sản, tăng lãi suất. Thêm vào đó, chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư trúng chứng khoán trước đây gom tiền mua căn hộ rơi vào cảnh cạn tiền, không trả nổi tiền mua căn hộ khi đến hạn, buộc lòng phải xả hàng tới tấp. Thị trường bất động sản “đóng băng”, heo hút như cảnh chợ chiều. Việc kinh doanh của ông từ chỗ đang nóng, chuyển sang lạnh toát.

Áp lực phải có tiền để trả nợ ngân hàng buộc ông Nguyễn phải chào bán nhiều mảnh đất mà ngày xưa nhiều người mơ ước. Giá chào tụt dần, lỗ đến 30% giá gốc, chưa tính lãi vay ngân hàng, thế mà người mua cứ chê ỏng chê eo. Những cuộc họp trả lời khách về tính pháp lý của các dự án cứ lặp đi lặp lại, ròng rã sáu tháng trời vẫn không ai chịu “rước”. Lắm lúc thấy ông ngồi thẫn thờ, mắt có nhìn mà không thấy, hay ngủ ngồi giữa hai cuộc họp, mới thấy thương cho nhà đầu tư thời khủng hoảng.

3. Có thể gọi John là “chúa đảo” với trên chục cái đảo ở một vịnh miền Trung mà anh đang thuê để nuôi cá xuất khẩu. Tại đại bản doanh đặt trên hòn đảo trung tâm, anh làm văn phòng bằng gỗ, khu nhà nghỉ công nhân lợp lá cọ, đồ nội thất bằng mây, cùng cát trắng, biển xanh đẹp như một khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Cha anh, có thể xem là “công thần” của tỉnh, bởi ông là một trong những nhà đầu tư đầu tiên khai phá lĩnh vực nuôi cá xuất khẩu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Từ ông, bao nhiêu ngư dân trong vùng học được kỹ thuật nuôi cá lồng, biết cách chọn lọc con giống tốt nhất. Đầu ra đã có ông lo.

Kế thừa sản nghiệp của cha, bằng sức trẻ của mình, John đã liên tục mở rộng sản xuất bằng cách thuê thêm nhiều diện tích mặt biển để nuôi cá. Một trong các đảo anh thuê có địa thế rất đẹp, sau lưng là núi, bãi cát chạy dài ngút mắt. Vị trí đắc địa ấy đã khiến không ít công ty làm du lịch phải thèm muốn.

Một ngày, John điếng người khi nhận được quyết định thu hồi đất của tỉnh, với lý do quá 12 tháng mà không triển khai dự án. John nói như khóc trong cuộc họp giải quyết khiếu nại: “Tôi thuê đơn vị tư vấn, mang chuyên gia từ nước ngoài sang khảo sát mặt biển, độ mặn, mới dám thả con giống thử nghiệm. Dàn lưới quây thi công ngầm dưới biển tốn cả triệu đô, có ai chịu lặn xuống đó coi giúp cho tôi nhờ không. Cha con tôi đầu tư 20 năm nay trên cái vùng biển này sao nỡ đối xử tôi như vậy…”.

Những lá đơn khiếu nại của John gửi đi, họp tới họp lui hơn hai năm chưa được giải quyết. Dàn lưới bao đặc chế mục nát theo thời gian. Đùng một cái khủng hoảng tới, ngành du lịch chững lại. Nghe đâu công ty du lịch dự kiến được giao đất kia cũng “đuối”, xin thôi không làm tiếp dự án đó nữa.

Khi nghe thông tin hành lang từ tỉnh, nếu muốn thuê nuôi cá tiếp thì gửi thư xin, sẽ được giải quyết. John lắc đầu cười mà như mếu, việc giải quyết khiếu nại chậm chạp đã gây thiệt hại cho tôi biết bao nhiêu, cộng thêm tình người như thế làm tôi nản lắm rồi.

Vì đâu nên nỗi…

Tiếp xúc, những ông chủ trên đều tỏ thái độ rất rõ ràng, trong làm ăn thắng - thua, được - mất là chuyện thường tình, mỗi doanh nghiệp đều phải chấp nhận. Xu thế chung, đã khủng hoảng, các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng. Nhưng điều họ lo lắng nhất là sự thay đổi đột ngột chính sách - kiểu như ra “toa thuốc” hạ sốt quá liều như trong thị trường bất động sản. Hay những quy định pháp luật không rõ ràng - không buộc được người giải quyết khiếu kiện phải giải quyết đúng thời hạn, như trong giải quyết khiếu nại đất đai…

Chính sách thay đổi bất thình lình, nhà đầu tư khó mà lường trước để trở tay. Quy định mập mờ tạo cơ hội cho những kẻ trục lợi ép người đầu tư. Họ cũng hy vọng cách hành xử của cơ quan quản lý cần có lý có tình hơn.

Ông Kim, sau những ngày điêu đứng tìm nguồn tiền cứu viện, đã tâm sự: “Tôi sốc vì nguy cơ phá sản đã đành, mà sốc hơn cả là người ta coi tôi như tội phạm, sợ tôi bỏ trốn, sợ tôi không trở lại nữa… Chẳng lẽ nào cơ nghiệp cả đời của tôi lại chấm dứt vì số nợ tiền lương của công nhân hay sao”. Xưởng may của ông giờ đã hoạt động trở lại, dần hồi phục, dù chưa được như xưa. Tuy vậy, không biết vết thương trong lòng ông liệu có lành?

Vậy đó, “đại gia” cũng “khóc”. Họ cũng là con người bình thường như bao người khác. Ở một góc độ nào đó, có thể xem họ là những người có công, khi góp phần làm giàu cho đất nước, tạo công ăn việc làm cho người khác. Vậy nên, khi họ “khóc” thì cũng cần có ai đó lắng nghe họ. Có thể là để xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh và an toàn hơn bằng các biện pháp cải cách hành chính, các định chế pháp luật, và một cơ chế giám sát hiệu quả, tránh sự lạm quyền của cán bộ thực thi. Hoặc chỉ đơn giản là một cử chỉ chia sẻ, cách giải quyết thấu tình đạt lý, giúp họ vượt khó.

Được như vậy, sang năm mới, các đại gia nếu có khóc, là khóc vì quá hạnh phúc.

Luật sư Trịnh Thanh (SGTT)