13:36 16/03/2018

Dân số già nhanh, Trung Quốc bỏ nhấn mạnh "kế hoạch hóa gia đình"

Bình Minh

Các mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập những lời bình luận hào hứng

Dù các cặp vợ chồng ở Trung Quốc đã được phép sinh hai con, số trẻ em được sinh ra ở nước này không hề tăng mạnh như dự kiến - Ảnh: Xinhua/WSJ.
Dù các cặp vợ chồng ở Trung Quốc đã được phép sinh hai con, số trẻ em được sinh ra ở nước này không hề tăng mạnh như dự kiến - Ảnh: Xinhua/WSJ.

Chính phủ Trung Quốc đang tiến tới giảm vai trò của cơ quan kế hoạch hóa gia đình - lực lượng giữ vai trò thực thi chính sách một con suốt gần 4 thập kỷ của nước này.

Đây là động thái cho thấy quốc gia đông dân nhất thế giới không còn đặt nặng hạn chế sinh đẻ, mà thay vào đó chuyển sự chú ý sang vấn đề dân số lão hóa.

Theo tờ Wall Street Journal, trong kế hoạch cải tổ chính phủ được trình lên Quốc hội Trung Quốc tuần này, một loạt cơ quan sẽ được gộp chung vào một bộ, thay thế cho Ủy ban Quốc gia về Sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình hiện nay. Cơ quan ngang bộ mới này sẽ có tên Ủy ban Sức khỏe Quốc gia.

Kế hoạch hóa gia đình vẫn là một phần nội dung công tác của bộ mới, nhưng việc loại bỏ từ "kế hoạch hóa gia đình" ra khỏi tên gọi được coi là bằng chứng rõ nét về một sự dịch chuyển ưu tiên. 

Kế hoạch trình lên Quốc hội Trung Quốc nói Ủy ban Sức khỏe Quốc gia sẽ "tích cực giải quyết dân số lão hóa", xử lý những vấn đề như phát triển lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, cải tổ hệ thống y tế quá tải…

Kế hoạch trên "cho thấy kế hoạch hóa gia đình với tư cách một chính sách điều tiết vĩ mô đã trở thành lịch sử", nhà nghiên cứu Zuo Xuejin thuộc Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải đánh giá.

Nhiều người Trung Quốc tỏ ra vui mừng trước việc không còn cơ quan kế hoạch hóa gia đình.

"Tôi sẽ chẳng buồn khi không còn thấy họ nữa", Huang Yanfang, một nhân viên bảo hiểm ở Hồ Bắc, nói. 

Huang cho biết cơ quan kế hoạch hóa gia đình địa phương đã phạt cô số tiền khoảng 100.000 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 15.000 USD, khi cô sinh đứa con thứ hai vào tháng 5/2015. Năm 2016, cô đâm đơn kiện sau khi Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con. Theo phán quyết của tòa án vào cuối năm ngoái, cơ quan kế hoạch hóa gia đình đã phải rút lại khoản phạt đối với Huang.

Nhiều ông bố bà mẹ đã ăn mừng bằng cách gửi tiền lì xì ảo cho nhau trên ứng dụng nhắn tin WeChat. Các mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập những lời bình luận hào hứng.

Cơ quan kế hoạch hóa gia đình "chẳng mang lại hạnh phúc gì cho chúng ta. Thay vào đó, họ biến Trung Quốc thành một quốc gia lão hóa", một người bình luận viết trên mạng Weibo.

"Đã đến lúc nên lập một ủy ban khuyến khích sinh đẻ", một người khác viết.

Trong nhiều năm, Chính phủ Trung Quốc đã dần nới lỏng việc hạn chế sinh đẻ. Đến cuối năm 2015, nước này tuyên bố bãi bỏ chính sách một con đã duy trì từ năm 1980. Tuy nhiên, dù các cặp vợ chồng ở Trung Quốc đã được phép sinh hai con, số trẻ em được sinh ra ở nước này không hề tăng mạnh như dự kiến.

Vào năm 2016, năm đầu tiên sau khi bỏ chính sách một con, số trẻ mới sinh ở Trung Quốc tăng 7,9% so với năm 2016, đạt 17,86 triệu trẻ. Tuy nhiên, trong năm 2016, con số này giảm còn 17,23 triệu em bé - theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc.

Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm nay, các đại biểu tỏ ra lo ngại về tình hình dân số lão hóa của nước này. Theo số liệu được đưa ra tại kỳ họp, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ở Trung Quốc đã tăng lên mức 17,3% vào năm 2017, từ mức 10% vào năm 1999.

Có nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ Trung Quốc đang tiến tới bỏ hoàn toàn việc hạn chế sinh đẻ. Nhà dân số học He Yafu ở Quảng Đông nói vai trò của kế hoạch hóa gia đình ở Trung Quốc tiếp tục giảm trong những năm tới. 

Thay vào đó, Chính phủ nước này có thể phát triển những chính sách hỗ trợ các gia đình nuôi dạy con cái, chẳng hạn bảo vệ quyền của phụ nữ ở nơi làm việc.