09:01 14/09/2007

Đằng sau việc OPEC tăng sản lượng

Kiều Oanh

Sự biến động mạnh mẽ gần đây trên thị trường dầu lửa thế giới là một hồi chuông cảnh báo đối với OPEC

Có những dấu hiệu cho thấy, rất có thể Arab Saudi còn muốn tăng sản lượng ở mức cao hơn.
Có những dấu hiệu cho thấy, rất có thể Arab Saudi còn muốn tăng sản lượng ở mức cao hơn.
Ngay trước khi cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) khai mạc ngày 11/9 tại Vienna, Áo, gần như mọi dự đoán đều cho rằng OPEC sẽ không tăng sản lượng.

Nhưng trái với mọi dự đoán, OPEC lại tuyên bố tăng sản lượng thêm 500.000 thùng mỗi ngày kể từ ngày 1/11 tới. Tại sao?

Theo các nhà phân tích, câu trả lời ở đây là, sự biến động mạnh mẽ gần đây trên thị trường dầu lửa thế giới là một hồi chuông cảnh báo đối với Saudi Arabia, quốc gia trên thực tế đứng đầu OPEC. Ngoài ra, Arab Saudi cũng nhận ra rằng, cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ đang đe dọa đến nền kinh tế của các nước khách hàng của OPEC. Do đó, họ thuyết phục các nhà lãnh đạo khác của OPEC ít nhất cũng phải cho thế giới thấy họ đang nỗ lực hạ nhiệt thị trường dầu.

Tuy nhiên, biện pháp này của OPEC đã không đem lại hiệu quả gì. Ngày 12/9, giá dầu thô tại Mỹ đã vượt mức 80 USD/ thùng trước khi đóng cửa ở mức 79,91 USD/thùng. Giá cổ phiếu của các công ty dầu lửa lớn như Exxon Mobil, Chevron và Total đã tăng gần 3% kể từ hôm 11/9 vừa qua.

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, Arab Saudi không chỉ nghỉ tới chuyện duy trì giá dầu ở mức cao. Nước này chiếm một phần lớn trong dự trữ dầu của toàn thế giới và rất muốn khuyến khích các nước khách hàng mua dầu của mình duy trì thói quen sử dụng dầu thêm nhiều thập kỷ nữa. Saudi Arabia cũng không muốn làm trầm trọng thêm những vấn đề mà nền kinh tế thế giới hiện đang phải đối mặt, hoặc bị các nước khác trên thế giới coi là như vậy.

Có những dấu hiệu cho thấy, rất có thể Arab Saudi còn muốn tăng sản lượng ở mức cao hơn. Tuy nhiên, do sự phản đối từ nhóm nước có thái độ cứng rắn như Venezuela, Arab Saudi chỉ dừng lại ở mức sản lượng tăng thêm là 500.000 thùng mà họ đã thỏa thuận được.

Sợ giới đầu cơ

Nguyên nhân cụ thể khiến Arab Saudi lo ngại là giá dầu kỳ hạn ngắn hiện cao hơn nhiều so với giá dầu kỳ hạn dài.

Tại Sở Giao dịch hàng hóa New York, giá dầu giao tháng 10 hiện dao động quanh mức 79 USD/thùng, trong khi giá dầu kỳ hạn 5 năm chỉ trên dưới 70 USD/thùng. Điều này trái ngược hẳn với những gì diễn ra 3 tháng trước đây, khi giá dầu cho các hợp đồng kỳ hạn 2 năm trở lên cao hơn so với giá dầu kỳ hạn giao tháng trước mắt.

Chính OPEC cũng đề cập đến điều này trong thông cáo của cuộc họp vừa diễn ra và cho rằng, xu hướng này là nhân tố khiến giá dầu tăng cao, vì kích thích các nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động mua vào bằng các hợp đồng kỳ hạn ngắn.

Roger Diwan, một nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng PDC Energy ở Washington, cho rằng với xu hướng giá dầu kỳ hạn ngắn cao hơn giá dầu kỳ hạn dài, giới đầu cơ có thể kiếm bộn tiền bằng cách mua vào bằng hợp đồng kỳ hạn ngắn rồi sau đó lại chuyển sang dầu rẻ hơn khi hợp đồng hết hạn. Điều này càng khiến cho giá dầu hiện tại tăng ngoài tầm kiểm soát.

“Một khi giới đầu cơ làm vậy thì đó quả là một tin xấu, và cách duy nhất để chống lại là xây dựng kho dự trữ dầu,” ông nói.Một trong những mối lo lớn nhất của OPEC là mất quyền kiểm soát đối với giá dầu vào tay các giới đầu cơ. OPEC cho rằng, bằng cách mua dầu trong ngắn hạn, các nhà đầu cơ làm thị trường bị tổn thương và khiến thế giới có ấn tượng rằng OPEC đang khống chế các khách hàng, trong khi theo quan điểm của OPEC, tổ chức này đang cung cấp đủ dầu cho thị trường.

Tại cuộc họp tại Vienna, các nhà lãnh đạo OPEC lo ngại đợt tăng giá đang diễn ra sẽ có những tác động nguy hiểm về mặt kinh tế và chính trị, khiến cho các vấn đề kinh tế thế giới càng trở nên tồi tệ hơn. Mặt khác, hiện vẫn đang là mùa bão, trong khi, Washington vẫn đang cân nhắc một cuộc tấn công quân sự vào Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ 2 của OPEC.

Ảnh hưởng của OPEC chỉ là hạn chế?

Phản ứng của thị trường trước tuyên bố của OPEC cho thấy những lo lắng của OPEC không phải là không có lý. Mặc dù sản lượng đã được tăng lên ngoài dự kiến của giới phân tích trước đó 1 hoặc 2 ngày, giá dầu trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục đi lên.

Thị trường cho rằng, OPEC đã không tăng sản lượng ở mức đủ, trong khi nguồn dự trữ dầu lửa của Mỹ được dự báo là sẽ giảm xuống trong vòng 2 quý tới đây, mặc dù nền kinh tế nước này vẫn ở trong tình trạng khó dự báo.

Mặc dù giá dầu đã giảm xuống dưới mức 50 USD/thùng vào mùa đông năm ngoái, giá dầu bình quân trong dài hạn vẫn ở mức cao hơn nhiều, khoảng 65 USD/thùng. Theo Jeffrey Currie, một nhà phân tích của Goldman Sachs ở London, giá dầu trong dài hạn có tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với giá dầu trong ngắn hạn.

Currie cho rằng OPEC có thể khiến cho giá dầu ngắn hạn tăng hoặc giảm bằng cách tăng giảm sản lượng nhưng tổ chức này không thể điều khiển giá dầu trong dài hạn vì mức giá này được thiết lập bởi cơ cấu chi phí chung của các nước không thuộc OPEC. Nói cách khác, đầu tư vào việc sản xuất dầu tại phương Tây và các khu vực khác của thế giới, ngoài vùng Vịnh, đã trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều.

Theo Currie, OPEC không có đủ dầu để có đủ ảnh hưởng đối với giá dầu trong dài hạn. Theo quan điểm của chuyên gia này, hiện tại, đối với thị trường dầu hiện tại, mức giá ảm đạm là 40 USD/thùng, thay vì mức giá 10 USD/thùng như trước đây, còn mức giá cao là 90 USD/thùng. Ông cho rằng, từ cuối mùa hè năm ngoái tới nay, thị trường dầu lửa thế giới vẫn ở mức giá thấp và hiện mới đang chuyển dần sang mức giá cao.

(Theo Business Week)