Đang trên sàn New York, vì sao Alibaba vẫn tính niêm yết ở Hồng Kông?
Alibaba hiện là công ty có vốn hoá lớn nhất châu Á, đang niêm yết tại sàn chứng khoán New York
Hãng thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc hiện là công ty đại chúng lớn nhất tại châu Á với vốn hoá 486 tỷ USD, niêm yết tại sàn chứng khoán New York (Mỹ). Theo Nikkei, tính tới ngày 30/9/2019, Alibaba có 33 tỷ USD tiền mặt và tài sản tương đương, và nợ 21 tỷ USD, theo Nikkei. Câu hỏi đặt ra là tại sao công ty này vẫn dự định niêm yết lần hai tại Hồng Kông?
Theo nguồn tin của Bloomberg, Alibaba đang nối lại kế hoạch niêm yết lần hai tại Hồng Kông, sớm nhất trong tháng này, sau khi tạm hoãn do biểu tình tại thành phố này. Mặc dù Alibaba chưa lên tiếng về kế hoạch này, giới thạo tin cho biết công ty dự kiến huy động khoảng 10 - 15 tỷ USD khi niêm yết tại sàn chứng khoán Hồng Kông. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ chào sàn lớn nhất tại Hồng Kông trong năm nay và có thể lớn nhất thế giới nếu công ty Saudi Aramco của Saudi Arabia chưa lên sàn trong năm nay.
Theo các nhà phân tích, động lực chính của Alibaba khi niêm yết tại Hồng Kông không chỉ là tiền, mà là cổ phiếu của mình tiếp cận được với các nhà đầu tư Trung Quốc, phù hợp với nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thu hút các công ty Trung Quốc đang niêm yết ở nước ngoài trở về.
Ngoài ra, việc niêm yết tại Hồng Kông cũng giúp đảm bảo cho Alibaba trước rủi ro bị huỷ niêm yết tại New York. Các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nghị sĩ quốc hội Mỹ đang thảo luận về một số đề xuất có thể gián tiếp hoặc trực tiếp buộc các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường chứng khoán nước này. Tuy vậy, những bước tiến mới đây trong thoả thuận thương mại Mỹ-Trung được đánh giá là giảm khả năng này trong ngắn hạn.
"Alibaba niêm yết lần hai nhằm thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư Trung Quốc không thể đầu tư cổ phiếu ở Mỹ", nhà phân tích Vicky Wu của hãng môi giới ICBC International tại Hồng Kông nhận định.
Các biện pháp kiểm soát vốn tại Trung Quốc khiến các nhà đầu tư trong nước không có tiền ở nước ngoài gặp khó khăn khi mua cổ phiếu Mỹ. Nhưng tại Hồng Kông, họ có thể mua cổ phiếu của Alibaba qua các kênh "Kết nối Cổ phiếu" - kết nối sàn chứng khoán Hồng Kông với các sàn Thượng Hải và Thâm Quyến.
Chương trình Kết nối Cổ phiếu này ban đầu không bao gồm cổ phiếu có thêm quyền biểu quyết của các công ty niêm yết ở Hồng Kông, nhưng vào tháng trước, nhà chức trách Trung Quốc đã nới lỏng quy định này, cho phép các nhà đầu tư trong nước tiếp cận cổ phiếu của những công ty như Meituan Dianping, Xiaomi.
Bản thân sàn chứng khoán Hồng Kông trước đây cũng cấm các công ty niêm yết cổ phiếu lần hai trên sàn này, nhưng đã bỏ quy định đó sau khi để tuột mất IPO của Alibaba cho sàn New York của Mỹ vào năm 2014.
Dù Thượng Hải cũng có nhiều cải cách nhằm lôi kéo các hãng công nghệ Trung Quốc đang niêm yết ở nước ngoài, nhưng một nguồn thân cận cho biết Alibaba lo rằng việc niêm yết cả ở Thượng Hải lẫn New York có thể gây ra nhiều vấn đề phức tạp do các chính sách kiểm soát vốn của chính phủ Trung Quốc.
Một số nhà quan sát nhận định rằng việc Alibaba niêm yết tại Hồng Kông có thể gây áp lực cho cổ phiếu của các công ty đối thủ như Tencent Holdings và Meituan, bởi các nhà đầu tư có thể cân đối lại danh mục cổ phiếu Internet của mình và chuyển hướng rót vốn vào Alibaba.
Với quy định mới cho các niêm yết lần hai được đưa ra đầu năm nay, cáo bạch niêm yết của Alibaba tại Hồng Kông đến nay vẫn chưa được công bố.
Nikkei dẫn hai nguồn tin thân cận cho biết Alibaba dự định dùng số tiền huy động được qua niêm yết lần hai ở Hồng Kông để phát triển các dự án trí tuệ nhân tạo hoặc thâu tóm các công ty trong lĩnh vực giao đồ ăn và du lịch. Đây là hai lĩnh vực mà Alibaba đang cạnh tranh với Meituan - công ty nắm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường Trung Quốc.