Đất lành Thanh Hóa dang tay đón các dự án “FDI xanh”
Trên địa bàn các tỉnh miền Trung hiện có 2.151 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 60,77 tỷ USD. Trong đó, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu với 164 dự án, tổng vốn đăng ký lên tới 14,57 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đăng ký của cả khu vực...
Để thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhiều năm qua tỉnh Thanh Hóa đã quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực. Mặc dù gặp khó trong hai năm đại dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn coi Thanh Hóa như một điểm đến lý tưởng.
Nhân sự kiện “Gặp gỡ Thanh Hóa – Hàn Quốc” vừa được tổ chức trong những ngày cuối tháng 3 vừa qua, a đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thu hút đầu tư trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.
Hiện nay các địa phương trên cả nước đang tận dụng mọi khoảng thời gian để chạy đua phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, phục hồi kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo các tiêu chí đó là phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường để lấy phát triển kinh tế. Đây là nhiệm vụ kép không dễ để thực hiện. Thanh Hóa đã có cách làm riêng biệt như thế nào, để đảm bảo mục tiêu kép này, thưa ông?
Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo rất sát sao về vấn đề tăng trưởng xanh, bền vững. Để đạt được mục tiêu này là điều không dễ, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều điều kiện đặc thù, chính vì vậy nếu không có chiến lược cụ thể thì cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, đến xã hội và người dân trong hiện tại và tương lai.
Vì vậy, chúng tôi đã có những chiến lược rất cụ thể để vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn môi trường. Việc bảo vệ trồng rừng, hiện nay kết quả trồng rừng đã đạt kết quả rất tốt, tính đến hết năm 2021 các địa phương trong tỉnh đã trồng được khoảng hơn 9.000 ha rừng và 4,7 triệu cây phân tán. Thanh Hóa cũng đã có 19.061,66 ha rừng ở các huyện Thạch Thành, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn được tổ chức quốc tế công nhận và cấp chứng chỉ FSC. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 có 30.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, trong đó rừng gỗ 20.000 ha, rừng tre luồng 10.000 ha.
Ngoài ra, trong công tác bảo vệ biển, hiện tỉnh đang tiếp tục đảm bảo các vấn đề liên quan đến nước biển dâng trong tương lai. Quan điểm nhất quán của Thanh Hóa là phát triển kinh tế nhưng không hủy hoại môi trường sống. Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và có các cơ chế chính sách để phát triển nông nghiệp ở các vùng nông thôn để có những sản phẩm sạch, xanh.
Có thể kể đến Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định: Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực (TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn; Bỉm Sơn và Lam Sơn - Sao Vàng); 5 trụ cột tăng trưởng (công nghiệp chế biến chế tạo; du lịch; y tế; nông nghiệp; phát triển hạ tầng); 6 hành lang kinh tế, gồm: (ven biển, Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, Đông Bắc, trung tâm; quốc tế). Ngày 13/11/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị Quyết số 37 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Đây là những điều kiện mở ra thời cơ, vận hội mới, là cơ sở quan trọng để tỉnh Thanh Hóa có bước đột phá chiến lược, trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực phía Bắc và cả nước.
Có thể nhận thấy, Thanh Hóa đang chuẩn bị mọi nguồn lực và điều kiện tốt nhất để đón nhà đầu tư. Vậy khi nhà đầu tư chọn Thanh Hóa, họ sẽ phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện như thế nào?
Thanh Hóa hiện có 140 dự án FDI đang thực hiện sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ. Trong thời gian tới đây, chắc chắn con số dự án sẽ tăng lên nhiều hơn nữa.
Các dự án khi vào Thanh Hóa phải đảm bảo các tiêu chí mà tỉnh đã đặt ra như đảm bảo môi trường, xả thải, khí thải, nước thải… và công nghệ của họ phải phù hợp. Doanh nghiệp FDI khi sản xuất cũng phải luôn quan tâm đến bảo vệ môi trường trong nhà máy cũng như các điều kiện xung quanh.
Thanh Hóa được ví như “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ loại địa hình và hệ sinh thái với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, như: tài nguyên đất, rừng, biển và nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn, thuận lợi lớn trong phát triển các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng, du lịch và dịch vụ...
Cùng với lợi thế về địa lý, tự nhiên, Thanh Hóa đã xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, như: ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu; tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi về địa bàn đầu tư (đối với Khu kinh tế Nghi Sơn). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh rất có trách nhiệm và luôn lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Chúng tôi sẽ đồng hành, trước, trong và sau đầu tư. Tỉnh sẽ hỗ trợ toàn diện về các thủ tục pháp lý cũng như các vấn đề liên quan đến đầu tư, làm sao để các doanh nghiệp khi tới đây sẽ nhận thấy mọi thứ rất thuận lợi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn nhắc đến một quan điểm nhất quán đó là,Thanh Hóa vì sự phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Song, nhà đầu tư cũng phải vì sự phát triển của Thanh Hóa.
Thưa ông, chúng ta cũng đã nghe nhiều lợi thế của Thanh Hóa, vậy ở chiều ngược lại, Thanh Hóa còn những nhược điểm, hạn chế gì phải sớm khắc phục để việc thu hút đầu tư hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới?
Thanh Hóa hiện chưa có nhiều khu công nghiệp, chưa có nhiều mặt bằng sạch, đất sạch để thu hút đầu tư. Hiện chúng tôi đang thúc đẩy mạnh việc chuẩn bị mặt bằng, hạ tầng sạch, diện tích lớn để đón những nhà đầu tư lớn vào Thanh Hóa.
Ngày 15/2 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp số 11, Khu kinh tế Nghi Sơn thuộc địa giới hành chính xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn. Đây sẽ là khu công nghiệp đa ngành, ưu tiên loại hình công nghiệp cơ khí, lắp ráp động cơ và kho trung chuyển; bổ sung loại hình công nghiệp hỗ trợ phục vụ lọc hoá dầu, chế tạo, vật liệu xây dựng. Dự kiến, quy mô lao động tối đa khoảng 16.500 người, dân số vào khoảng 5.000 người.