Đấu giá cổ phần sẽ sôi động trở lại?
Hoạt động đấu giá cổ phần tại sàn chứng khoán được thị trường quan tâm đặc biệt
Kết quả và những diễn biến xung quanh phiên đấu giá cổ phần thoái vốn tại Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng diễn ra vào ngày 4/6 đã khiến cho hoạt động đấu giá cổ phần tại sàn chứng khoán được thị trường quan tâm đặc biệt.
Với giá đấu cao hơn nhiều giá khởi điểm, các phiên đấu giá cổ phần, đặc biệt là những phiên thoái vốn Nhà nước tại các thương hiệu lớn, hứa hẹn sẽ kích hoạt các hoạt động đấu giá cổ phần trong thời gian tới.
Theo thông báo từ Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE), phiên đấu giá thoái vốn 4.209.800 cổ phần (tương đương 15% vốn điều lệ) của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nắm giữ tại Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC), có 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia. Trong đó, 3 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua 2.812.200 cổ phần và 1 nhà đầu tư tổ chức trong nước muốn mua 1.397.600 cổ phần. Số đăng ký mua đúng bằng số chào bán.
Giá khởi điểm được Vinachem đưa ra 46.452 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị 196 tỷ đồng. Nếu bán thành công, Vinachem vẫn còn nắm giữ hơn 10 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 36%. Trong 30 phiên giao dịch, từ 28/3 đến 14/5, giá tham chiếu bình quân của SRC 20.252 đồng/cổ phiếu (trong đó, giá thấp nhất 17.700 đồng/cổ phiếu và cao nhất 23.500 đồng/cổ phiếu). Vì vậy, căn cứ theo phương án thoái vốn đã được phê duyệt, mức giá 46.452 đồng/cổ phiếu được lựa chọn giá khởi điểm.
Trước khi danh sách được chốt, nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Cường, người đã đặt cọc 19,6 tỷ đồng đăng ký tham gia mua cả lô cổ phần Vinachem chào bán, đã gửi đơn hủy đăng ký tham gia đấu giá. Lý do nhà đầu tư này lo ngại những lùm xùm quanh đợt thoái vốn này, cũng như việc mất quyền cử người tham gia Hội đồng quản trị của SRC. Bởi trước đó, Vinachem và nhóm nhà đầu tư sở hữu 19,2% cổ phần SRC đã thay và bầu mới 2 thành viên Hội đồng quản trị công ty ngay trước phiên thoái vốn.
Tại phiên đấu giá, 4 nhà đầu tư trên đã trúng đấu giá toàn bộ hơn 4,2 triệu cổ phần SRC với giá đấu bình quân 46.454 đồng/cổ phiếu, cao hơn đúng 1 đồng so với giá khởi điểm. Nếu nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Cường vẫn tiếp tục tham gia, khi đó lượng đặt mua gấp đôi lượng chào bán, tính cạnh tranh trong phiên đấu giá sẽ tốt hơn.
Trong tháng 5, cả hai sàn HOSE và HNX đều chỉ có một phiên đấu giá cổ phần, trong đó sàn HOSE đạt tỷ lệ thành công 100% còn sàn HNX đạt thấp hơn, 10,6%. Ngoài ra, phiên đấu giá 17 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng dự kiến trong 5 đã bị hủy đấu giá.
Phiên đấu giá duy nhất tại sàn HNX trong tháng 5 là phiên đấu giá bán cổ phần ra công chúng của Công ty TNHH Một thành viên Sách và Thiết bị trường học tỉnh Đắk Nông. Khối lượng cổ phiếu chào bán trong phiên đấu giá đạt hơn 472 nghìn cổ phần, khối lượng đặt mua đạt 50 nghìn cổ phần, bằng 10,6% số cổ phần chào bán. Số lượng cổ phần trúng giá đạt 50 nghìn cổ phần, tương ứng với tỷ lệ thành công đạt 10,6%. Số tiền doanh nghiệp thu được sau phiên đấu giá đạt 575 triệu đồng với giá đấu thành công bình quân đạt 11.500 đồng/cổ phần, bằng với giá khởi điểm.
5 tháng đầu năm 2019, HNX đã tổ chức 17 phiên đấu giá, trong đó có 13 phiên đấu giá thoái vốn, 2 phiên IPO và 2 phiên đấu giá phát hành ra công chúng. Tổng khối lượng cổ phần đưa ra đấu giá đạt hơn 151 triệu cổ phần, khối lượng cổ phần trúng giá đạt hơn 126,9 triệu cổ phần, tương đương với tỷ lệ thành công đạt 84%. Tổng giá trị cổ phần bán được sau 17 phiên đấu giá đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng.
Riêng tại sàn HOSE, phiên đấu giá bán cổ phần của Công ty Cổ phần Phát triển nhà Cần Thơ được tổ chức vào ngày 3/5/2019 đã bán được toàn bộ 3.131.100 cổ phần với giá đấu bình quân 47.300 đồng/cổ phần (cao hơn so với giá khởi điểm 28.000 đồng/cổ phần) cho 1 nhà đầu tư cá nhân. Trong phiên đấu giá có 7 nhà đầu tư cá nhân tham gia với khối lượng đặt mua là 21,917 triệu cổ phần.