15:03 19/07/2021

Đầu tư nhà dưỡng lão xa xỉ lên cơn sốt ở Trung Quốc

Ngọc Trang

Nhiều nhà đầu tư không muốn bỏ lỡ cơ hội bước chân vào lĩnh vực dưỡng lão trong bối cảnh dân số già tăng nhanh tại Trung Quốc...

Cơ sở dưỡng lão Ardor Gardens - Ảnh: Lendlease
Cơ sở dưỡng lão Ardor Gardens - Ảnh: Lendlease

Ông William Tang, một người về hưu ngoài 70 tuổi ở Trung Quốc, mới đây quyết định đánh đổi cuộc sống ở trung tâm thành phố Thượng Hải để đến sống tại một cơ sở dưỡng lão cao cấp ở phía tây thành phố. Ông đã chi 220.000 USD để thuê một căn hộ hai phòng ngủ tại đây trong vòng 15 năm. 

“Ở đây còn hơn cả khu nghỉ dưỡng”, ông Tang chia sẻ sau khi tham quan nhà mẫu của cơ sở dưỡng lão Ardor Gardens. Một số tiện nghi nổi bật tại đây có thể kể đến như bể bơi trong nhà, phòng tập yoga, dịch vụ chăm sóc 24/7…

CƠ HỘI TỪ NHÓM DÂN SỐ GIÀ KHỔNG LỒ Ở TRUNG QUỐC

Các cơ sở dưỡng lão như Ardor Gardens ngày càng trở thành nơi hấp dẫn với các nhà đầu tư tại Trung Quốc. Tiền đổ vào lĩnh vực này ngày càng nhiều trong bối cảnh nhiều người bắt đầu quan tâm tới việc dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng.

Một trong số các nhà đầu tư trong lĩnh vực này tại Trung Quốc là công ty bất động sản và hạ tầng Australia Lendlease Corp - công ty đã rót 280 triệu USD vào Ardor Gardens. Cũng như nhiều nhà đầu tư khác, Lendlease nhận thấy môi trường chính sách tại Trung Quốc ngày càng thuận lợi trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực tìm cách giải quyết các thách thức về dân số.

“10 năm nữa, thị trường sẽ hoàn toàn khác bây giờ”, Ding Hui, Chủ tịch Lendlease chi nhánh Trung Quốc, nhận định. “Bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội nếu đợi 10 năm nữa mới bắt đầu nghĩ tới việc mua đất, tìm hiểu và đào tạo nhân viên cũng như phát triển mô hình kinh doanh”.

Theo số liệu dân số mới nhất của Trung Quốc, số lượng người từ 60 tuổi trở lên tại nước này đã tăng 47% trong thập kỷ qua lên 260 triệu người, chiếm hơn 18% tổng dân số. Tới năm 2050, nhóm dân số này được dự báo sẽ tăng lên gần 500 triệu người.

Nguồn cung giường dưỡng lão tại Trung Quốc không đáp ứng được nhu cầu - Đồ họa: Bloomberg
Nguồn cung giường dưỡng lão tại Trung Quốc không đáp ứng được nhu cầu - Đồ họa: Bloomberg

Lendlease đang cạnh tranh với nhiều công ty nội địa lâu đời, như các hãng bảo hiểm lớn, công ty đầu tư vốn cổ phần hay nhà phát triển bất động sản. Những năm gần đây, hàng chục nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào lĩnh vực này tại Trung Quốc, như quỹ đầu tư quốc doanh Singapore Temasek Holding Pte., hãng đầu tư y tế Mỹ Columbia Pacific Management và Fortress Investment Group.

Nhiều công ty khác cũng đang muốn gia nhập như quỹ đầu tư khổng lồ Citic Capital của Trung Quốc với mục tiêu xây dựng hàng loạt dự án nhà dưỡng lão tại nhiều thành phố lớn trong vài năm tới. Trong khi đó, hãng bảo hiểm New China Life Insurance Co. mới đây đã bắt đầu bán căn hộ tại khu tổ hợp dưỡng lão mới rộng 280.000 m2 ở ngoại ô Bắc Kinh. Diện tích khu tổ hợp nàu tương đương 40 sân bóng đá tiêu chuẩn.

Dù nhiều công ty chưa thu được lợi nhuận từ việc kinh doanh cơ sở dưỡng lão, nhưng họ tin rằng nhu cầu đối với các cơ sở này sẽ tăng cao và những thay đổi trong quan niệm xã hội ở Trung Quốc sẽ mang về lợi nhuận trong dài hạn.

Về mặt chính sách, chính phủ Trung Quốc đang xây dựng kế hoạch chi tiết để thúc đẩy phát triển lĩnh vực chăm sóc y tế cho người già, trong đó tập trung vào việc mở rộng các dịch vụ cơ bản với giá cả phải chăng. Một trong những mục tiêu của kế hoạch này là tăng số lượng giường tại các cơ sở dưỡng lão và đầu tư nguồn lực để đào tạo nhân lực.

“Thị trường dưỡng lão cao cấp tại Trung Quốc chưa bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh nhưng chắc chắn đã bắt đầu rồi”, Ye Liming, một giám đốc tại Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ Dưỡng lão Thượng Hải, cho biết.

Những thay đổi về nhân khẩu học cũng đang phá vỡ những rào cản truyền thống lâu đời vốn cản trở sự phổ biến của các nhà dưỡng lão tại Trung Quốc. Ở nước này, dù con cái từ lâu bị ràng buộc với nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ già, giờ đây, nhiều gia đình đang phải sống xa nhau do làn sóng di cư và đô thị hóa. Bên cạnh đó, vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn bởi ngày càng nhiều người về hưu chỉ có một đứa con để dựa vào do chính sách một con để kiềm chế tăng dân số trước đây của Trung Quốc.

VẪN CÒN NHỮNG RÀO CẢN

Tuy nhiên, bất chấp những thay đổi này, ước tính chỉ khoảng 3% người già Trung Quốc sẵn sàng hoặc có thể chi trả cho các dịch vụ như Lendlease cung cấp. Phần lớn vẫn muốn được sống ở nhà hoặc tại các cơ sở dưỡng lão được nhà nước trợ cấp. Dù 3% cũng là con số khổng lồ nếu xét đến số lượng người già tại Trung Quốc, đây vẫn là một trở ngại đối với các nhà đầu tư.

Tính tới tháng 6/2021, Lendlease mới chỉ bán được khoảng 25% trong tổng số 100 căn hộ được mở bán 10 tháng trước tại Ardor Gardens.

Theo một báo cáo gần đây, hãng tư vấn Qianzhan Industry Research Institute cho biết tỷ lệ lấp đầy tại các nhà dưỡng lão tư nhân, chủ yếu nằm ở những khu vực giàu có như đồng bằng sông Dương Tử, hiện chỉ vào khoảng 37-48%, thấp hơn nhiều so với mức 85% cần để hòa vốn. Những yếu tố khiến khách hàng e ngại gồm chi phí cao (do giá đất cao) và việc thiếu vắng thị trường ủy thác đầu tư bất động sản - một kênh tài trợ dài hạn quan trọng cho các nhà đầu tư cơ sở dưỡng lão tại những thị trường phát triển như Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Căng-tin tại cơ sở dưỡng lão Ardor Gardens - Ảnh: Lendlease
Căng-tin tại cơ sở dưỡng lão Ardor Gardens - Ảnh: Lendlease

Mặc dù vậy, Ding Hui, Chủ tịch Lendlease Trung Quốc, tin rằng trong bối cảnh đại dịch, việc hàng chục người cao tuổi chi tiền để thuê căn hộ dưỡng lão tại Ardor Gardens là điều vô cùng quan trọng. Hơn hết, ông cho rằng tâm lý dành tiền tiết kiệm mua nhà để lại cho con cháu ở người già Trung Quốc sẽ thay đổi.

Trở lại với ông Tang đề cập trước đó, người dự kiến chuyển vào sống tại Ardor Gardens vào tháng 9 tới. Ông nằm trong nhóm người về hưu mà các nhà đầu tư đang nhắm tới – giàu có, tư tưởng tiến bộ và đang muốn tìm kiếm niềm vui trong những năm tuổi xế chiều.

“Mục đích của chúng tôi không phải chỉ là chi tiền để mua một căn hộ mà là tìm kiếm một cuộc sống thú vị hơn”, ông Tang chia sẻ.