16:15 25/05/2021

Trung Quốc làm gì để "đón đầu" khủng hoảng dân số?

Trang Linh

Trong thập kỷ qua, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc giảm hơn 5 triệu người...

Trung Quốc đứng trước nguy cơ khủng hoảng dân số - Ảnh: Getty Images.
Trung Quốc đứng trước nguy cơ khủng hoảng dân số - Ảnh: Getty Images.

Qin Jiahao đã làm việc cho bộ phận hậu cần của hãng thương mại điện tử JD.com khoảng 6 năm. Giờ đây, phần lớn công việc của ông đã được tự động hóa. 

“Trước đây, gần tất cả công việc của chúng tôi đều là công việc tay chân. Tuy nhiên, sau khi tự động hóa, gần 50% công việc được thực hiện bởi máy móc. Điều này giúp giảm đáng kể cường độ công việc của chúng tôi”, Quin chia sẻ với CNBC và cho biết trước đây, ông phụ trách công đoạn tập hợp hàng hóa và xếp lên kệ. 

“Giờ đây, sau khi hàng hóa được đưa tới kho, thiết bị tự động sẽ chuyển hàng hóa tới một nơi chỉ định, rồi đặt lên kệ. Toàn bộ quy trình này đều được tự động hóa”, Quin cho biết. 

Quanh khu hậu cần rộng 500.000 m2 của JD.com là những cỗ máy khổng lồ giúp hoàn thành những công việc như đóng gói hay xếp hàng lên kệ. 

Trường hợp của Quin nằm trong xu hướng tự động hóa nhiều công việc đang diễn ra mạnh mẽ tại Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt những thách thức lớn, trong đó có già hóa dân số và lương tăng. 

“Già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng… Trung Quốc đang đối mặt với thách thức già trước khi giàu”, Jonathan Woetzel, đối tác cấp cao tại hãng tư vấn McKinsey cho biết. 

Theo Tổng Cục thống kê Trung Quốc, trong thập kỷ qua, dân số trong độ tuổi lao động của nước này đã giảm hơn 5 triệu người do tỷ lệ sinh giảm. Bên cạnh đó, quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn đang chịu những tác động của chính sách một con được áp dụng từ cuối những năm 1970 kể kìm hãm tăng trưởng dân số. 

Các số liệu chính thức cũng cho thấy trong khoảng từ năm 1940-1980, dân số của Trung Quốc đã tăng gấp đôi, từ hơn 500 triệu người lên trên 1 tỷ người. Trong 40 năm sau đó, mức tăng trưởng dân số của nước này đã giảm xuống còn 40%. Hiện tại, dân số của Trung Quốc là 1,4 tỷ người, gấp 4 lần so với Mỹ. 

Tuy nhiên, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc lại đang sụt giảm. Và tự động hóa được xem là một cách hữu hiệu để giải quyết vấn đề này. 

Xe buýt tự lái của WeRide được đặt tại trụ sở chính của công ty ở Quảng Châu, Trung Quốc - Ảnh: CNBC
Xe buýt tự lái của WeRide được đặt tại trụ sở chính của công ty ở Quảng Châu, Trung Quốc - Ảnh: CNBC

Tự động hóa tại quốc gia này không chỉ dừng lại ở các nhà máy hay nhà kho. Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển nhiều công nghệ tiên tiến như xe tự lái sử dụng trí tuệ nhân tạo - lĩnh vực mà Bắc Kinh đang hy vọng có thể cạnh tranh với Mỹ. 

Thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc, đã trở thành một trung tâm thử nghiệm lớn cho các phương tiện tự lái. Tại đây, một công ty khởi nghiệp có tên WeRide đang phát triển công nghệ cho ô tô và xe buýt không người lái. Các phương tiện này có thể giúp thay thế những công nghệ như tài xế. Tony Han, CEO of WeRide, nhận định xe tự lái là một giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới dân số già hóa. 

“Một trong các vấn đề đó là sự thiếu hụt lao động, đặc biệt là xã hội già hóa. Ở Trung Quốc, và cả ở Mỹ cũng như hầu hết các nước phát triển, chi phí nhân lực đang ngày càng đắt đỏ. Người lao động cần lương cao hơn và nhiều phúc lợi hơn”, Han cho biết. “Hãy nghĩ xem nếu bạn muốn có tài xế riêng, hay thuê tài xế, việc này vô cùng đắt đỏ. Và đôi khi gọi xe taxi tại một thành phố lớn cũng khá đắt. Vậy chúng ta có thể tìm ra cách rẻ hơn để cung cấp loại hình dịch vụ vận tải này cho tất cả mọi người không?” 

Tuy vậy, tự động hóa cũng đi liền với việc làm bị mất đi. McKinsey ước tính, trong khoảng từ năm 2018 đến 2030, khoảng 220 triệu người lao động Trung Quốc, tương đương 30% lực lượng lao động, có thể phải chuyển việc làm. 

“Tất nhiên, đây là một thách thức lớn không chỉ với người sử dụng lao động, người lao động, mà còn với cả chính phủ và toàn xã hội” Woetzel, đối tác cấp cao tại McKinsey, cho biết.