14:24 15/05/2019

Đề phòng nhiễm khuẩn chéo trong tủ lạnh

Hoài Phương

Với nhiều gia đình, tủ lạnh được xem như chiếc chạn đựng thức ăn. Điều này đã khiến tủ lạnh thành bãi rác, chứa nhiều vi khuẩn có hại cho sức khỏe.


Nhiễm chéo là khi vi khuẩn và virus được chuyển giao từ một bề mặt bị nhiễm khuẩn đến một bề mặt khác chưa bị nhiễm. Các vi khuẩn và virus có thể truyền từ con người, các bề mặt của các thiết bị nơi làm viêc và các loại thực phẩm khác.Ví dụ, nhiễm chéo có thể xảy ra khi vi khuẩn từ bề mặt của thịt sống, gia cầm, rau sống với bụi bẩn nhìn thấy được (chẳng hạn như khoai tây chưa rửa), bị lây nhiễm sang các thực phẩm ăn sẵn, chẳng hạn như xà lách ăn sống, gạo, mì ống xà lách, thịt hay gia cầm nấu chín, hoặc thậm chí trái cây. Các vi khuẩn trên thực phẩm bị tiêu diệt khi được nấu chín, nhưng chúng sẽ còn lại đối với các thực phẩm ăn sống mà không cần chế biến.Thạc sĩ Doãn Tường Vi, trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198 cho biết, những thói quen như mua thịt ở chợ đựng trong túi nilong về quẳng luôn vào tủ lạnh, ngay cạnh hộp sữa chua hay bát đựng thịt ăn thừa bữa trước; rồi trứng mang ở chợ về cất ngay vào tủ... khá phổ biến trong các gia đình. Thực tế, trong tủ lạnh vẫn là vòng tuần hoàn, dễ nhiễm khuẩn chéo. Nguy cơ ngộ độc có thể xuất phát từ tủ nếu không biết cách bảo quản.
Đề phòng nhiễm khuẩn chéo trong tủ lạnh - Ảnh 1.
"Thịt sống, trứng dập, sữa (đã mở, không đậy kín) là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi. Vì thế, nếu tùy tiện có gì cũng tống vào tủ lạnh, bạn có thể biến nơi bảo quản thức ăn thành ổ vi khuẩn, gây bệnh," bác sĩ Doãn Tường Vi chia sẻ. "Thực phẩm dù sống hay chín bạn đều cần cho vào túi hay hộp kín trước khi để vào tủ lạnh. Đồ sống và chín cần để ở các ngăn riêng biệt"...Theo Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Mỹ, thức ăn càng để lâu trong tủ lạnh càng có nhiều nguy cơ cho vi khuẩn phát triển. Thức ăn thừa nên bỏ đi sau khoảng hai giờ. Ngoài ra, không nên để nhiệt độ tủ lạnh quá ấm bởi trên 4 độ C là môi trường cho vi khuẩn phát triển. Nên giữ một nhiệt kế riêng trong tủ lạnh để kiểm tra an toàn, nhất là tủ lạnh không có màn hình hiển thị nhiệt độ kỹ thuật số.Khi bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, đặc biệt là dưới thời tiết mùa hè nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các bà nội trợ cần lưu ý cách bảo quản phải chuẩn, tránh phản tác dụng. Nhiều người có thói quen để nguyên thức ăn thừa vào trong tủ lạnh mà không đậy lại và việc làm này đã vô tình dẫn đến nhiều tác động tiêu cực cho sức khỏe. Bởi lẽ việc không đậy nắp thức ăn chính là một nguồn cơ gây nên các bệnh về đường tiêu hóa. Bởi số thức ăn đó sẽ dễ dàng nhiễm các vi khuẩn kí sinh lan từ các loại thực phẩm với nhau gây nhiều bệnh nguy hiểm. Đồng thời, nếu không được đậy kín, hơi thức ăn bốc lên, gây mùi khó chịu khắp tủ lạnh.
Đề phòng nhiễm khuẩn chéo trong tủ lạnh - Ảnh 2.
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên rằng, đối với chiếc tủ lạnh gia đình, đồ sống trước khi cho vào tủ lạnh cần được rửa sạch, cho vào túi, hộp sạch, kín. Thịt cá nên bảo quản trên ngăn đá, ngăn mát chỉ nên để 1 - 2 ngày. Bạn nên vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, tốt nhất cứ 2-3 ngày một lần, nếu lỡ để đồ ăn, nước từ thực phẩm rớt ra tủ lạnh thì cần lau sạch ngay. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra đồ trong tủ lạnh, sử dụng những đồ dễ hỏng trước, loại bỏ các thực phẩm không thể dùng được nữa.
Có 3 thói quen của người tiêu dùng được cho là "thủ phạm" gây nhiễm chéo:1.Tay của người nấu bếp là thủ phạm rõ nhất trong việc chuyển vi khuẩn từ các thực phẩm chưa được nấu chín sang các thực phẩm ăn sẵn. Tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chưa chế biến, thớt bẩn, dao và đồ dùng nấu ăn khác cũng có thể lây nhiễm.2. Dụng cụ nấu bếp như thớt, đĩa và dao nếu vừa dùng cho các thực phẩm tươi sống, chưa chế biến cần phải được rửa kỹ bằng nước ấm và xà phòng rửa chén, sau đó để cho ráo nước và để khô trước khi dùng cho các thực phẩm đã nấu chín.
Đề phòng nhiễm khuẩn chéo trong tủ lạnh - Ảnh 3.
3. Lưu trữ không đúng cách: thực phẩm tươi sống, chưa chế biến, để chúng tiếp xúc trực tiếp với các thực phẩm đã được nấu chín, làm cho nước của thịt sống chảy ra và nhỏ giọt lên các thực phẩm đã được nấu, trái cây hay những thực phẩm ăn sẵn khác cũng có thể gây nhiễm chéo. Luôn luôn cần ý thức rằng các thực phẩm tươi sống, chưa chế biến như là các thực phẩm gây nhiễm chéo.