00:00 16/09/2021

Đề xuất lập Tổ công tác đặc biệt phục hồi kinh tế sau đại dịch đặt tại TP.HCM

Anh Nhi

Khả năng đến cuối năm 2021, nhiều chỉ tiêu kinh tế lớn của TP.HCM sẽ không đạt, ảnh hưởng tới việc triển khai kế hoạch tăng trưởng và phục hồi kinh tế năm 2022…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tại Hội nghị trực tuyến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 15/9, đại diện UBND TP.HCM, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết, 8 tháng đầu năm, kinh tế thành phố tăng trưởng chậm, nhiều lĩnh vực giảm sâu.

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,6%, thu hút vốn FDI giảm hơn 43%, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 30%, 3.000 doanh nghiệp giải thể, 12.000 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.

Thu ngân sách chỉ đạt 70% dự toán, số thu ngân sách bình quân ngày giai đoạn trước Covid-19 là 1.400 tỷ đồng/ngày, đến tháng 8/2021, chỉ còn 800 tỷ đồng và vẫn tiếp tục xu giảm trong tháng 9/2021.

“Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 trên địa bàn TP.HCM dự kiến lần 1 giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước (năm 2020 tăng 1,39%) và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 6%”, ông Hoan nhấn mạnh.

Để “vực” dậy nền kinh tế những tháng cuối năm 2021 cũng như cả năm 2022, Phó Chủ tịch TP.HCM cho biết, thành phố tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 cùng với kế hoạch phục hồi nền kinh tế đến hết năm 2022 với quan điểm thích ứng, chung sống an toàn với Covid-19. Thành phố sẽ nới lỏng giãn cách trên cơ sở “đảm bảo an toàn mới cho mở lại và cho mở lại phải đảm bảo an toàn”.

Thứ hai, rà soát kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 5 năm 2021-2025 vì nhiều chỉ tiêu kinh tế dự kiến trở nên rất thách thức, khả năng hoàn thành khó.

“Do đó, Thành phố chủ trương điều chỉnh kế hoạch 5 năm dựa trên đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 và sẽ xây dựng 3 kịch bản phát triển kinh tế-xã hội (cơ sở, tích cực và tiêu cực) để có biện pháp thích ứng”, ông Hoan cho biết.

Thứ ba, rà soát kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cũng như từng năm cụ thể, trước mắt là năm 2021, 2022 để đánh giá khả năng thực hiện của dự án cũng như chủ động điều phối vốn theo hướng cắt giảm dự án chưa cần thiết, giải ngân chậm, tập trung vào những dự án lớn, có tác động lan tỏa.

“Thậm chí, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Thành phố tính tới phương án giảm chi đầu tư để ưu tiên vốn ngân sách cho công tác phòng chống dịch”, lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh.

Trên cơ sở giải pháp thực hiện cũng như kế hoạch phát triển kinh tế những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, đại diện cho TP.HCM, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đề xuất 4 kiến nghị với trung ương.

Một là, đề nghị Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế sau đại dịch, đặt tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam, để đề ra những quyết sách tổng hợp mang tầm quốc gia.

“Quá trình phục hồi cần nguồn lực rất lớn, từng địa phương sẽ không thể tự làm. Chúng tôi ước tính riêng TP.HCM cần khoảng 8 tỷ USD và 6-9 tháng để phục hồi kinh tế”, ông Hoan nhấn mạnh.

Hai là, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ sớm thông qua đề án điều tiết ngân sách cho TP.HCM ở mức 23% để hỗ trợ Thành phố sớm phục hồi nền kinh tế.

“TP.HCM có nguồn lực để phục hồi nhanh sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách trung ương cũng như cho nền kinh tế. Giai đoạn hiện nay, cần có sự lựa chọn ưu tiên khi nguồn lực không thể dàn đều”, lãnh đạo TP.HCM bày tỏ.

Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong y tế, giáo dục và công trình công cộng khác… thông qua việc cho phép TP.HCM thí điểm việc đấu giá đất công đã có quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để có thêm nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống dịch.

Bốn là, ưu tiên bố trí vốn trung ương cho 3 dự án trọng điểm, cấp bách gồm: cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cải tạo kênh Hy Vọng và rạch Xuyên Tâm với tổng ngân sách đề nghị thực hiện là 17.234 tỷ đồng.