07:29 10/12/2024

Đến 6/12, tỷ lệ tạm ứng bồi thường bảo hiểm cho khách hàng bị thiệt hại do bão Yagi đạt 5,63%

Kỳ Phong

Trao đổi với VnEconomy chiều 9/12, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết đến 6/12, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng 597,6 tỷ đồng trên tổng số tiền thiệt hại ước tính hơn 10.620 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ 5,63% - PV)...

Thiệt hại về tài sản, kỹ thuật do bão Yagi gây ra chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Thiệt hại về tài sản, kỹ thuật do bão Yagi gây ra chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, trên cơ sở báo cáo của 31/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19/19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tính đến thời điểm ngày 6/12/2024 thì tình hình thiệt hại, tạm ứng và bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm như sau. Về người: 158 vụ, số tiền bảo hiểm ước tính là 25,6 tỷ đồng. Về tài sản và các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác: 14.587 vụ, ước tính thiệt hại là 10.595 tỷ đồng. Số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng là 597,6 tỷ đồng. 

Theo báo cáo cập nhật của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tính đến ngày 6/12/2024, doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận được 14.638 thông tin thiệt hại về bảo hiểm phi nhân thọ, sức khoẻ ước tính là 11.560 tỷ đồng do bão Yagi gây ra. 

 

Thiệt hại lớn nhất do bão Yagi gây ra là tài sản, kỹ thuật, chiếm 96,6% tổng thiệt hại ghi nhận ở lĩnh vực phi nhân thọ, đứng thứ 2 là nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới (1,74%).

Cụ thể, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe: 51 vụ, tương đương với số tiền bảo hiểm 4,4 tỷ đồng. Nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật 6.203 vụ, thiệt hại ước tính là 10.236 tỷ đồng. Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới 7.794 vụ, thiệt hại ước tính là 185 tỷ đồng. Các nghiệp vụ khác bao gồm bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm nông nghiệp là 590 vụ, thiệt hại ước tính là 174 tỷ đồng. Hiện nay, tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng là 580 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tổng số vụ tử vong và thương tật thuộc phạm vi bảo hiểm là 107 vụ; số tiền bảo hiểm ước tính là 21,29 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng 17,7 tỷ đồng. 

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết ước 11 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 986.586 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 133.298 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 853.288 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 838.319 tỷ đồng (tăng 12,58% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 74.885  tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 763.434 tỷ đồng.

 

Trao đổi với Phóng viên VnEconomy chiều 9/12, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang dồn sức giám định tổn thất bảo hiểm do bão Yagi và hoàn lưu bão gây ra. Do đó, các số liệu về tình hình thiệt hại, tạm ứng và bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có biến động. 

Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 664.396 tỷ đồng (tăng 13,46% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 37.062 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 627.334 tỷ đồng.

Đến hết tháng 11, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 205.288 tỷ đồng (tăng 6,63% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 39.535 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 165.753 tỷ đồng.

Trong 11 tháng năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 204.109 tỷ đồng, tăng 0,22 % so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71.905 tỷ đồng (tăng 13,02% so với cùng kỳ năm trước), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 132.204 tỷ đồng (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước).

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.368 tỷ đồng (tăng 17,13% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 20.931 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 65.437 tỷ đồng.