Việt Nam cần xây dựng chiến lược tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai với tổn thất hằng năm lên tới 1-1,5% GDP. Do đó, Chiến lược tài chính và bảo hiểm hiệu quả là công cụ quan trọng, giúp giảm thiểu tác động của thiên tai, hỗ trợ nhanh chóng cho phục hồi và tái thiết sau thiên tai...
Tại hội thảo “Tài chính và Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” do Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức chiều 14/11, TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Vì vậy, việc tiếp cận một cách tổng thể, toàn diện các nguồn lực tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai là vô cùng cần thiết.
“Tăng cường khả năng ứng phó và phục hồi trước thiên tai không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà còn là nền tảng để phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng. Học hỏi kinh nghiệm quốc tế sẽ giúp chúng ta định hướng và áp dụng những giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn”, bà Vân khẳng định.
"Thiên tai gây ra tổn thất hằng năm tại Việt Nam lên tới 1-1,5% GDP. Ngân hàng Thế giới dự báo, Việt Nam có thể phải đối mặt với tổn thất kinh tế lên đến 67 tỷ USD trong vòng 50 năm tới nếu không có chiến lược phòng ngừa và bảo hiểm hiệu quả".
TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính.
Nhấn mạnh vai trò của các chiến lược tài chính và bảo hiểm hiệu quả trong việc giảm thiểu tác động của thiên tai, ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, cho biết các chiến lược tài chính và bảo hiểm hiệu quả là công cụ quan trọng, giúp giảm thiểu tác động của thiên tai, đồng thời hỗ trợ nhanh chóng cho quá trình phục hồi và tái thiết.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm từ các nước như Nhật Bản, Philippines, Colombia và khu vực Caribe, đặc biệt nhấn mạnh các khung pháp lý chặt chẽ tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, và các công cụ chuyển giao rủi ro hiện có.
Các quốc gia trên đều xây dựng các khung pháp lý chặt chẽ tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; đa dạng công cụ nguồn lực; xây dựng hệ thống thông tin và phân tích dữ liệu thiên tai, hỗ trợ đánh giá rủi ro; các công cụ chuyển giao rủi ro hiện có...
Cụ thể, tại Nhật Bản, hệ thống bảo hiểm động đất và các quy định pháp lý đã giúp xây dựng một hệ thống ứng phó bền vững. Philippines triển khai bảo hiểm tham số cho tài sản công. Colombia hợp tác với Ngân hàng Thế giới xây dựng hệ thống quản lý tài chính thiên tai để giảm thiểu gánh nặng ngân sách.
Trong khi đó, tại Việt Nam, các quy định pháp lý chưa đồng đều, tập trung vào ngân sách phục hồi sau thiên tai; nguồn lực phụ thuộc nhiều vào ngân sách; chưa có hệ thống tài chính phòng ngừa thiên tai đồng bộ, bảo hiểm thiên tai chưa phổ biến. Cơ sở dữ liệu rủi ro thiên tai đang phát triển, tích hợp với hệ thống dữ liệu quốc gia.
Từ quan điểm, bảo hiểm rủi ro thiên tai đã được công nhận là công cụ quan trọng phục vụ cho hoạt động quản lý rủi ro khí hậu, bà Nguyễn Thị Hải Đường - Khoa Bảo hiểm, trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng Việt Nam có thể áp dụng các mô hình bảo hiểm chỉ số và bảo hiểm theo lớp rủi ro để hỗ trợ tài chính nhanh chóng và hiệu quả hơn; xây dựng mô hình rủi ro với rủi ro thiên tai; khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai… Trong đó, hợp tác công-tư và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế sẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy bảo hiểm thiên tai tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra các kiến nghị quan trọng như hoàn thiện khung pháp lý chặt chẽ, nâng cao năng lực dự báo và tăng cường các sáng kiến tài chính, bao gồm bảo hiểm rủi ro thiên tai, các công cụ chuyển giao rủi ro, các công cụ ứng phó trước và sau thiên tai, các loại hình sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai, thực trạng tại Việt Nam và các thách thức đặt ra.
Đồng thời, các đại biểu cũng đã thảo luận về kinh nghiệm thí điểm của Việt Nam và các điểm nghẽn cần tháo gỡ để bảo hiểm rủi ro thiên tai, đặc biệt là bảo hiểm rủi ro thiên tai cho tài sản công có thể triển khai thực sự có hiệu quả.
Sự kiện này là bước tiến trong việc xây dựng chính sách tài chính và bảo hiểm hiệu quả cho Việt Nam, nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai và biến đổi khí hậu trong tương lai.