07:00 10/07/2022

Đến cuối tháng 6/2022, dư nợ các thành phần kinh tế tại Đà Nẵng tăng 5,04%

Cũng như huy động, hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ đầu năm 2022 đến nay cũng đang có mức tăng trưởng tốt...

Báo cáo tại buổi làm việc với Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Đà Nẵng cho biết đến cuối tháng 6/2022, dư nợ các thành phần kinh tế trên địa bàn đạt 209.000 tỷ đồng, tăng 5,04% so với cuối năm 2021, tăng 9,31% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu dòng vốn tín dụng được tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Trong khi đó, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt khoảng 170.000 tỷ đồng, tăng 10,39% so với cuối năm 2021, tăng 13,54% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi trên địa bàn có xu hướng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Đây là mức tăng cao nhất trong 2 năm gần đây.

Cũng theo ông Minh, trong 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động và sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn. Đứng trước khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ở Đà Nẵng đã nỗ lực vào cuộc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Cụ thể, đến ngày 31/5/2022, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ 9.680,84 tỷ đồng cho 3.859 khách hàng; lũy kế tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/5/2022) là 21.335,47 tỷ đồng với 9.055 khách hàng.

Ngoài ra, cho vay mới từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/5/2022, doanh số cho vay mới lũy kế là 320.968,42 tỷ đồng, số dư nợ cuối tháng 5/2022 là 27.385,45 tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ là 9.741 khách hàng.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục phát triển ổn định, cơ sở hạ tầng thanh toán dần được hoàn thiện và chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, nhiều ứng dụng điện tử ra đời đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Tính đến tháng 6/2022 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 555 ATM và 8.000 POS đang hoạt động, đáp ứng các yêu cầu về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động thông suốt, ổn định theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Số lượng thẻ đã phát hành lũy kế đến 6/2022 trên địa bàn khoảng 650.000 thẻ. Trong đó, có 400.000 thẻ nội địa và 200.000 thẻ quốc tế...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua.

Thời gian tới, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Thống đốc đề nghị ngành ngân hàng trên thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục nỗ lực triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, phục vụ tốt cho nhu cầu các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong đó, Thống đốc đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Đà Nẵng cần bám sát các chủ trương, định hướng từ Ngân hàng Nhà nước; kịp thời nắm bắt, xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn kịp thời nắm bắt các hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, hội sở về chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN tăng cường mở rộng truyền thông, đảm bảo khách hàng thụ hưởng tiếp cận kịp thời chương trình hỗ trợ lãi suất.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ lãi suất của các chi nhánh tổ chức tín dụng; chỉ đạo các tổ chứ tín dụng trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng và các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Đối với tổ chức tín dụng, Thống đốc yêu cầu cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu, đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Đặc biệt, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng để phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.