10:12 26/09/2007

Dịch vụ chất lượng cao phát triển chưa… cao

Xuân Thái

Sự phát triển các chủng loại dịch vụ chất lượng cao tại Việt Nam hiện chưa phong phú, đa dạng, hầu hết chỉ ở mức trung bình

Dịch vụ thẻ - một loại hình dịch vụ chất lượng cao.
Dịch vụ thẻ - một loại hình dịch vụ chất lượng cao.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế hiện nay, sự phát triển của dịch vụ chất lượng cao đã tạo ra ưu thế vượt trội và lợi thế cạnh tranh to lớn, tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định và bền vững toàn nền kinh tế.

Phát triển dịch vụ chỉ mới được quan tâm trong thời gian gần đây, nhất là thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có dịch vụ chất lượng cao. Dịch vụ chất lượng cao có thể được hiểu là một loại hình dịch vụ có hàm lượng trí tuệ cao, tiềm năng lớn và lợi thế cạnh tranh cao, đáp ứng đầy đủ các điều kiện làm hài lòng người tiêu dùng.

Một yêu cầu của hội nhập

Theo đó, việc sản xuất và cung ứng dịch vụ chất lượng cao phải dựa trên nền tảng cơ sở vật chất hiện đại và trình độ khoa học công nghệ cao, đội ngũ nhân lực sản xuất và phục vụ có tay nghề cao, trình độ tổ chức và hoạt động dịch vụ vào loại tiên tiến.

Hiện nay, mỗi ngành dịch vụ, mỗi nhóm khách hàng cụ thể hay mỗi quốc gia có nhiều cách đánh giá về dịch vụ chất lượng cao, nhưng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế cần phải đi đến những chuẩn mực theo thông lệ quốc tế khi đề cập đến loại hình dịch vụ này. Theo một số nhà nghiên cứu, có 2 tiêu chí cơ bản, đó là giá trị gia tăng cao và mức độ thỏa mãn của khách hàng khi sử dụng dịch vụ này.

Trong thực tế, những ngành dịch vụ được coi là dịch vụ chất lượng cao bao gồm: các dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ, marketing; tài chính-ngân hàng và các loại hình bảo hiểm, thẻ ATM; các cửa hàng tự chọn, chuỗi cửa hàng tiện ích; các hoạt động du lịch kết hợp văn hóa-sinh thái, du lịch hội thảo hội nghị, các dịch vụ gia tăng của bưu chính như chuyển tiền nhanh, chuyển phát nhanh... dịch vụ chất lượng cao có thể trong cả một ngành, cũng có thể là những hoạt động rất cụ thể trong một ngành.

Trong giai đoạn hiện nay, dịch vụ chất lượng cao gắn liền với nền kinh tế thị trường, của công nghệ mới trong việc áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, của chất lượng cuộc sống hiện đại. Theo một nhà nghiên cứu, nó gắn liền và đồng thời là biểu hiện của nền kinh tế tri thức trong hoạt động dịch vụ nói chung. Phát triển dịch vụ chất lượng cao tạo điều kiện để có thể áp dụng nhanh chóng những thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại vào quá trình sản xuất kinh doanh, tạo nên mối liên kết hiệu quả giữa các khâu trong toàn bộ quá trình sản xuất, tái sản xuất, tái sản xuất xã hội...

Phát triển dịch vụ chất lượng cao còn giúp mở rộng phạm vi hoạt động của nền kinh tế, do tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân, tạo nên giá trị tăng cao của toàn nền kinh tế. Ngoài ra, dịch vụ chất lượng cao, như đã nói, còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng dịch vụ và làm tăng thêm chất lượng cuộc sống như các dịch vụ chăm sóc y tế theo yêu cầu.

Xu hướng “dịch vụ hóa” hầu hết các hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội sẽ làm phát triển và nâng cao hơn nữa chất lượng lĩnh vực dịch vụ cùng các dịch vụ chất lượng cao. Đây được xem như là một trong những nội dung chủ yếu trong định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực thúc đẩy và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.

Dịch vụ chất lượng cao tại Việt Nam có thua trên sân nhà?

Hiện tỷ trọng dịch vụ chiếm khoảng 40% trong cơ cấu GDP cả nước, đồng thời có xu hướng tăng lên theo tốc độ tăng trưởng GDP vào những năm tới. Trong đó, dịch vụ chất lượng cao cũng bước đầu hình thành và phát triển, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng...

Các dịch vụ chất lượng cao hiện có ở các thành phố lớn như dịch vụ thẻ thanh toán, ATM, dịch vụ chứng khoán, ngân hàng điện tử, các dịch vụ gia tăng của ngành bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, du lịch kết hợp hội nghị hội thảo... đã và đang thu hút một lượng khá lớn khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.

Điều này cho thấy rõ những ưu điểm vượt trội của dịch vụ chất lượng cao trong loại hình dịch vụ nói riêng, tương quan giữa các ngành kinh tế nói chung trong sự phát triển chung của nền kinh tế. Nó đang từng bước khẳng định thế mạnh ở các thành phố lớn tại Việt Nam. Có thể nói dịch vụ chất lượng cao đang phát huy vai trò động lực cho sự phát triển của khu vực dịch vụ tại những đô thị này.

Tuy nhiên, có thể thấy một điều là sự phát triển các chủng loại dịch vụ chất lượng cao tại Việt Nam hiện chưa phong phú, đa dạng, hầu hết chỉ ở mức trung bình và còn khoảng cách so với nhiều nước trong khu vực, trong khi giá cả lại khá cao làm cho tính cạnh tranh bị hạn chế. Song song đó, sự thiếu tính chiến lược, kế hoạch cùng những nỗ lực chưa đồng bộ của loại hình dịch vụ chất lượng cao đã làm cho nó chưa thực sự hấp dẫn như những gì nó cần phải có hay như mong đợi của khách hàng.

Lấy ví dụ, dịch vụ chữa bệnh chất lượng cao chưa thu hút được nhiều bệnh nhân đến từ nước ngoài, trong khi người tiêu dùng trong nước lại có xu hướng ra nước ngoài điều trị kết hợp du lịch và nghỉ dưỡng. Hay như việc du học tại chỗ, việc các trường “đua nhau” mở các chương trình đào tạo chất lượng cao, có liên kết với nước ngoài cũng còn khá khiêm tốn so với rất nhiều người dư tiền và sẵn sàng mở rộng hầu bao cho con cái đi du học tại những nước khác.

Theo các nhà nghiên cứu, một trong những nguyên nhân khiến dịch vụ chất lượng cao còn nhiều bất cập và hạn chế là ở tư duy, nhận thức ở các cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ nói chung, dịch vụ chất lượng cao nói riêng. Do đó dịch vụ chất lượng cao còn chưa có điều kiện phát huy hết tiềm năng của chính nó. Môi trường đầu tư trong lĩnh vực này còn nhiều nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Ngoài ra, hạ tầng dịch vụ hiện tại còn khá yếu kém, tính chuyên nghiệp chưa cao, nguồn nhân lực được đào tạo chưa thật bài bản... cũng là những yếu tố làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của dịch vụ chất lượng cao. Nhiều nhà quan sát cho rằng rất có thể loại hình dịch vụ chất lượng cao của Việt Nam sẽ bị lấn át bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.