06:00 28/07/2022

Điểm mới dự thảo Luật Đường bộ: Kinh doanh xe điện 4 bánh chở khách, địa phương đầu tư quốc lộ

Ánh Tuyết

Liên quan đến dự thảo Luật Giao thông Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đồng thuận với đề xuất bổ sung quy định về xe 4 bánh gắn động cơ điện được phép chở khách và dùng vốn địa phương để đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp quốc lộ...

Người dân "mỏi mòn" đợi nâng cấp các tuyến quốc lộ nhưng do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên Bộ Giao thông vận tải "lắc đầu" từ chối việc nâng cấp, cải tạo nhiều dự án.
Người dân "mỏi mòn" đợi nâng cấp các tuyến quốc lộ nhưng do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên Bộ Giao thông vận tải "lắc đầu" từ chối việc nâng cấp, cải tạo nhiều dự án.

Bộ Giao thông vận tải vừa có Công văn số 7556/BGTVT-PC gửi Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa để trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa về đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sớm sửa đổi Luật Đường bộ.

Trong đó, "bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe 4 bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện. Đồng thời, có quy định cụ thể về việc tổ chức lựa chọn đơn vị tham gia khai thác xe điện đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch", cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị.

Cùng với đó là bổ sung quy định đối với những trường hợp các công trình, dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý nằm trên địa bàn các tỉnh, khi cần phải triển khai đầu tư xây dựng ngay công trình, dự án phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nếu trong điều kiện các địa phương có thể tự huy động ngân sách và nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện thì cho phép các địa phương được triển khai đầu tư công trình, dự án trên địa bàn tỉnh thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Giao thông vận tải.

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, thứ nhất, Bộ Giao thông vận tải đồng thuận với nội dung đề nghị bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe 4 bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện.

Hiện 35 địa phương đang thí điểm xe 4 bánh gắn động cơ chạy điện.
Hiện 35 địa phương đang thí điểm xe 4 bánh gắn động cơ chạy điện.

"Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm 35 địa phương, tại Điều 76 dự thảo Luật Đường bộ đề xuất bổ sung quy định quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe 4 bánh có gắn động cơ", Bộ Giao thông vận tải cho hay.

Đồng thời giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể về thời gian, phạm vi hoạt động, trình tự, thủ tục cho phép hoạt động vận tải khách bằng xe 4 bánh có gắn động cơ trên địa bàn địa phương nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế về  cơ sở hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông tại địa bàn địa phương, đảm bảo tính công bằng, minh bạch. 

 

Chính vì vậy, để địa phương có thể chủ động huy động tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đề xuất bổ sung nội dung về ngân sách địa phương được sử dụng để đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp quốc lộ đi qua địa phương vào dự thảo Luật Đường bộ.

Thứ hai, về kiến nghị các địa phương có thể tự huy động ngân sách và nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Giao thông vận tải, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho hay, theo quy định của Khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước, việc sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư công trình, dự án thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông vận tải chưa thực hiện được.

Thực tế cho thấy nhiều tuyến quốc lộ đi qua địa bàn các tỉnh, thành xuống cấp, người dân đi lại không thuận tiện và gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Do đó, nhiều tỉnh, thành rất muốn nâng cấp, cải tạo các tuyến đường này để đảm bảo lưu thông an toàn cho nhân dân.

Dù vậy, do vướng Luật Ngân sách về việc các tỉnh, thành phố chỉ được dùng vốn ngân sách đầu tư cho những tuyến đường địa phương quản lý, không được dùng để đầu tư các tuyến đường Trung ương quản lý, do đó, đến nay các tỉnh, thành không có cơ chế để nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ.

Theo đó sẽ quy định ngân sách địa phương được sử dụng để đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp quốc lộ đi qua địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn giao thông của địa phương (khoản 3 Điều 43). 

Trong quá trình xây dựng Luật Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định này để phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác quản lý vận tải, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.