Diễn biến trên biển Đông có thể “căng thẳng hơn”
Chính phủ nhận định những khó khăn, thách thức tại báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020
Diễn biến trên biển Đông có thể sẽ căng thẳng, gay gắt, phức tạp hơn. Đây là một trong những nhận định về khó khăn, thách thức trong 5 năm tới, tại báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, vừa được Chính phủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Báo cáo hoàn thành ngày 16/3, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh ký.
Bài học vì dân
Nhìn tổng quát lại trong 5 năm qua, Chính phủ đánh giá, kinh tế - xã hội đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.
Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện....
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Việc tạo nền tảng để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu.
Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn vướng mắc, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ nhìn nhận.
Từ những thành tựu đạt được và những tồn tại thách thức trong 5 năm qua, Chính phủ cho biết đã rút ra 7 bài học kinh nghiệm.
Bài học đầu tiên là phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, nhất quán và đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất, tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Gay gắt hơn, phức tạp hơn
Theo đánh giá của Chính phủ, 5 năm qua, nền quốc phòng toàn dân ngày càng được củng cố và phát triển. Tiềm lực quốc phòng, an ninh, sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội nhân dân, công an nhân dân được nâng lên.
Báo cáo nêu rõ, sự kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với hoạt động đối ngoại đã đạt được kết quả tích cực trong đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh chính trị, ổn định xã hội của đất nước; vận động và tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với lợi ích chính đáng của nước ta trong vấn đề biển Đông.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ hạn chế, sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa thật chặt chẽ.
Tiềm lực quốc phòng, an ninh chưa đáp ứng được yêu cầu. Bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức. Công tác quản lý một số lĩnh vực còn bộc lộ nhiều sơ hở do chính sách thiếu đồng bộ; kiểm tra, xử lý chưa nghiêm, chưa triệt để, như: lĩnh vực tài nguyên, rừng, đất, nước, khoáng sản...
5 năm tới, theo Chính phủ thì nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn rất nặng nề. Diễn biến trên biển Đông có thể sẽ căng thẳng, gay gắt, phức tạp hơn. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá quyết liệt, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định chính trị - xã hội.
Bên cạnh đó, thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,… chưa được đẩy lùi làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.
Trong mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ tới, Chính phủ xác định: “Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia..”.
Khuyến khích dân định cư trên đảo
Phần giải pháp, báo cáo đề cập phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo.
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến dầu khí; cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển; khai thác và chế biến hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá; du lịch biển, đảo.
Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người dân định cư lâu dài trên các đảo.
Chính phủ cũng nhấn mạnh việc thực hiện tốt chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng, bảo vệ đất nước.
Tăng cường nắm tình hình, dự báo an ninh chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống...