16:22 10/11/2021

Độ phủ mạng lưới giao dịch ngân hàng thấp, người dân nông thôn khó tiếp cận dịch vụ

Đào Vũ - Tú Anh - Đức Long

Ví dụ tại Lai Châu, năm 2020, độ bao phủ mạng lưới dịch vụ khoảng 10.325 người/điểm giao dịch, chỉ bằng 1/5 khu vực thành thị như Hà Nội, TP.HCM...

Phát biểu tại hội thảo “Thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam”, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá: "Nông nghiệp, nông thôn là vấn đề có tính chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bởi vậy, ngành ngân hàng luôn xác định tín dụng nông nghiệp, nông thôn là một trong năm lĩnh vực ưu tiên”.

Theo ông Nguyễn Kim Anh, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định số 14-CP ngày 02/3/1993; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018...

Dựa trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng tập trung đầu tư vốn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, lãi suất...cho các khách hàng thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống ngân hàng cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nông nghiệp bằng nhiều hình thức cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính như gói sản phẩm, dịch vụ cho thu mua chế biến xuất khẩu lương thực, gói sản phẩm dịch vụ dành cho hộ sản xuất...

 
"Đến cuối tháng 9/2021, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 2.487.008 tỷ đồng, tăng 9,2% so với 2020, chiếm 25,09% dư nợ chung toàn nền kinh tế. Cùng kỳ năm 2020, con số trên tăng 5,96 và đến cuối năm 2020 tăng 11,52%".
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những điểm hạn chế như: việc tiếp cận dịch vụ tài chính của cá nhân, tổ chức ở khu vực nông thôn, đặc biệt là người có thu nhập thấp còn một số hạn chế. 

Cùng đó, xét trên phương diện quy mô người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính; mức độ thường xuyên sử dụng; chất lượng của sản phẩm, dịch vụ tài chính còn thấp. 

Trong đó, xét về khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ do hệ thống ngân hàng cung cấp, hiện vẫn có sự chênh lệch rất lớn giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn; giữa các thành phố lớn và các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Nêu ví dụ cụ thể, ông Nguyễn Thanh Phương cho biết, các tỉnh như Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu là những tỉnh chỉ có 4 - 5 ngân hàng, phần lớn là các ngân hàng chính sách, ngân hàng có vốn Nhà nước như Agribank, BIDV… Trong khi, tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, có mặt của 31/31 ngân hàng thương mại với số lượng chi nhánh, phòng giao dịch lên tới hơn 1.800, gấp tương ứng 6,2 lần và 79,69 lần số ngân hàng thương mại và chi nhánh, phòng giao dịch tại tỉnh ít nhất là Lai Châu.

Ở góc độ bảo hiểm, PGS. TS Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Đại học Hoà Bình cho hay, các tổ chức tín dụng cũng gặp không ít rủi ro khi đầu tư tín dụng ở khu vực nông thôn do đặc thù của lĩnh vực này. Dù có nhiều biện pháp để quản lý rủi ro, sản xuất nông nghiệp và cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn luôn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thế nhưng, những cơ chế phòng ngừa và khắc phục rủi ro như bảo hiểm trong nông nghiệp chưa được phát triển tương xứng nên đã ảnh hưởng lớn đến năng lực tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn khi gặp rủi ro.

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị chưa được tổ chức và phát triển hợp lý; trình độ chế biến sâu còn hạn chế nên giá trị gia tăng của ngành thấp. Các mô hình liên kết còn ít, chưa hiệu quả, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh và hiệu quả đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Nhìn chung, vấn đề sự hạn chế của tiếp cận tài chính toàn diện ở khu vực nông thôn không chỉ ở đối tượng thụ hưởng các sản phẩm, dịch vụ mà còn thiếu vắng các định chế cung ứng sản phẩm, dịch vụ nêu trên. Song song là các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm. 

Vì vậy, Phó Thống đốc yêu cầu ngành ngân hàng cần tiếp tục triển khai các giải pháp như đẩy mạnh phát triển hệ thống kênh cung ứng, các sản phẩm dịch vụ mang tính đặc thù, phù hợp với nhu cầu của khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cần phải chủ động, sáng tạo để đưa ra các giải pháp mới nhằm đóng góp thiết thực cho quá trình cơ cấu lại khu vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp.

Mặt khác, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục dành sự quan tâm đối với việc thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời thường xuyên có những đóng góp, kiến nghị để giúp Ngân hàng Nhà nước nói riêng và các cơ quan, bộ, ngành nói chung ban hành chính sách phù hợp và hiệu quả.

 
"Xét về mật độ bao phủ của mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch trên lực lượng dân số trong độ tuổi lao động, khu vực thành thị có mức phân bổ dày hơn khu vực nông thôn. Tại Lai Châu, năm 2020, con số là 10.325 người/điểm giao dịch, trong khi đó, số liệu tương ứng tại Hà Nội là 2.289 người/điểm giao dịch và tại TP.HCM là 2.673 người/điểm giao dịch. Số người trong độ tuổi lao động tại Lai Châu, Hà Nội và TP.HCM lần lượt là 289.091 người, 4,2 triệu người và 4,9 triệu người năm 2020".
PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng.