13:13 24/07/2010

Đô thị quá tải vì sức hút nhập cư

Thời kỳ di cư mạnh nhất là giai đoạn 2004 - 2009 do lượng khu chế xuất, khu công nghiệp được mở ra ở nhiều nơi

 Sự quá tải về hạ tầng, giao thông, môi trường đang biến các đô thị thành những tấm áo chật - Ảnh: T.L.
Sự quá tải về hạ tầng, giao thông, môi trường đang biến các đô thị thành những tấm áo chật - Ảnh: T.L.
Dân số đô thị nước ta đang tăng rất nhanh. Nhưng chiến lược phát triển các đô thị không ăn khớp với chuyện tạo việc làm và các dịch vụ đi kèm khiến cho các đô thị như một chốn tạm bợ cho những người nhập cư.

Năm 2008, khi vụ án Quản Thị Kim Hoa ngược đãi cháu bé tại nhà trẻ tư tỉnh Bình Dương làm xôn xao dư luận cũng là lúc người ta đặt vấn đề về chuẩn của các nhà trẻ tư nhân. Hàng loạt các vụ kiểm tra, thanh tra được tiến hành, có nhiều nhà trẻ tư nhân bị đóng cửa vì không đủ tiêu chuẩn hoạt động. Nhưng thời điểm này cũng là lúc những cặp vợ chồng công nhân thu nhập thấp không biết phải gửi con mình ở đâu để làm việc.

Sau vụ việc này, Tp.HCM cũng tiến hành một cuộc kiểm tra các nhà trẻ tư nhân trên diện rộng. Ông Nguyễn Tấn Định, phó Ban quản lý khu chế xuất khu công nghiệp Tp.HCM cho biết, khi đó nhiều nhà trẻ tư nhân trong thành phố bị “dẹp hết”, kết quả là công nhân không còn chỗ gửi con. Nhiều người phải nghỉ việc để giữ con, còn lãnh đạo của Ban quản lý khu chế xuất khu công nghiệp Tp.HCM thì loay hoay xem có cách nào đó để xây nhà giữ trẻ cho công nhân.

Câu chuyện nhà trẻ tư nhân chỉ là một ví dụ về sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội ở hầu hết các đô thị nước ta hiện nay. Với tốc độ đô thị hoá quá nhanh, dòng dân di cư đổ về các đô thị do sự phân bố lại lực lượng lao động theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hầu hết các đô thị đều trở nên thiếu hụt các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế... Sự quá tải về hạ tầng, giao thông, môi trường đang biến các đô thị này thành những tấm áo chật.

Như tại tỉnh Đồng Nai, năm 2005 mới có 16 khu công nghiệp với nhu cầu sử dụng hơn 200.000 lao động nhưng đến năm 2010, thành phố này đã có 29 khu công nghiệp tập trung sử dụng thường xuyên 340.000 lao động. Hiện tại có tới 134.000 lao động là người nhập cư, nhưng với chừng đó người nhập cư nhưng hiện số nhà lưu trú cho công nhân mới đáp ứng được 8% nhu cầu. Khi nhà ở còn chưa lo được, sẽ không thể có chuyện xây thêm trường học hay bệnh viện ở khu vực nhiều người nhập cư này.

Theo kết quả điều tra dân số, nhà ở đầy đủ vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm 21/7, trong mười năm qua (1999 - 2009), dân số thành thị nước ta đã tăng với tốc độ trung bình là 3,4% mỗi năm trong khi tốc độ này ở khu vực nông thôn chỉ là 0,4% mỗi năm.

Ông Đỗ Thức, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, tốc độ di cư nhanh này đang góp phần phân bố lại dân số nước ta theo vùng kinh tế xã hội. Hai vùng nhận dân nhiều nhất là Tây Nguyên và Đông Nam bộ và bốn vùng còn lại bao gồm Trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long là các vùng xuất cư.

Nguyên nhân chính khiến dân số thành thị tăng nhanh là do sự mở rộng của thị trường lao động đã tác động tới lượng dân di cư. Thời kỳ di cư mạnh nhất là giai đoạn 2004 - 2009 do lượng khu chế xuất, khu công nghiệp được mở ra ở nhiều nơi. Điều này đã góp phần phân bố lại dân số.

Trong 5 năm này, lượng di cư tới địa bàn hành chính cùng cấp huyện tăng 275.000 người, di cư cùng tỉnh tăng 571.000 người, di cư khác tỉnh tăng 1,4 triệu người và di cư khác vùng tăng hơn 1 triệu người. Số dân nhập cư thuần từ nông thôn vào thành thị tăng xấp xỉ 1,4 triệu người.

Rõ ràng sự phát triển kinh tế nhanh ở các đô thị đang góp phần phân bố lại dân cư. Nhưng sự phân bố lại này lại không có sự chuẩn bị từ trước cho dù khi định hướng chiến lược phát triển cho mình, các địa phương đều tính được tầm nhìn 5 năm, 10 năm địa phương họ sẽ có bao nhiêu khu công nghiệp, sử dụng bao nhiêu lao động. Nhưng điều dễ nhận thấy trong các chiến lược phát triển ấy sự thiếu vắng các giải pháp cung cấp dịch vụ xã hội cho những người nhập cư.

Quá trình đô thị hoá do tác động của phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động đang diễn ra mạnh mẽ như vậy nhưng bản thân các thành phố không được đầu tư đầy đủ sẵn sàng cho dòng di cư lớn đổ vào. Một nghiên cứu về thị trường lao động và đô thị hoá ở Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) thực hiện hỗ trợ cho việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội nước ta giai đoạn 2011- 2020 khẳng định thực tế này.

“Điều này sẽ ngày càng tồi tệ do sự tồn tại dai dẳng những rào cản hạn chế khả năng tiếp cận trường học, bệnh viện và các dịch vụ xã hội khác của người di cư”, nhóm nghiên cứu khẳng định.

Về lâu dài, nhóm nghiên cứu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNDP cho rằng, nếu những đô thị ở Việt Nam tiếp tục phát triển theo cách hiện tại, tắc nghẽn và thiếu các dịch vụ cơ bản như vậy thì những lao động có tay nghề sẽ đi tìm việc làm ở những nơi tốt hơn có điều kiện sống và làm việc đem lại sự thoả mãn hơn cho họ, thậm chí là ở nước ngoài.

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nhất là khi xu hướng gỡ bỏ các rào cản trong thị trường lao động với lao động tay nghề cao đang diễn ra tại nhiều nước trong khu vực.

Tây Giang (SGTT)