18:00 02/11/2012

Đo thiệt hại của doanh nghiệp Nhật ở Trung Quốc

An Huy

Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chưa cho thấy tín hiệu nào về việc họ sẽ sớm chấm dứt “nói không” với hàng hóa Nhật

Nissan hôm 1/11 đã cho biết rằng, doanh số của hãng tại Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm khoảng 1 nửa so với cùng kỳ năm trước - Ảnh: Scmp.<br>
Nissan hôm 1/11 đã cho biết rằng, doanh số của hãng tại Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm khoảng 1 nửa so với cùng kỳ năm trước - Ảnh: Scmp.<br>
Các nhà sản xuất Nhật Bản thuộc mọi lĩnh vực từ màn hình TV cho tới kem dưỡng da đang gánh chịu những thiệt hại lớn do trào lưu tẩy chay hàng Nhật ở Trung Quốc - một hậu quả của tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Báo Wall Street Journal nhận định, việc người Trung Quốc xa lánh hàng Nhật, bên cạnh sự suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, sẽ khiến các công ty Nhật mất nhiều tỷ USD doanh thu trong năm nay.

Theo báo này, đến thời điểm hiện tại, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chưa cho thấy tín hiệu nào về việc họ sẽ sớm chấm dứt “nói không” với hàng hóa Nhật Bản. Tinh thần tẩy chay hàng Nhật tại Trung Quốc vẫn đang dâng cao sau động thái hồi tháng 9 của Nhật quốc hữu hóa quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Những con số phản ánh mức độ “tốn kém” của cuộc tranh chấp này đã đến từ những doanh nghiệp hàng đầu của đất nước mặt trời mọc như Panasonic, Sony hay All Nippon Airways.

Khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý tài chính kéo dài từ tháng 7-9/2012 cách đây ít hôm, Panasonic cảnh báo, hãng có thể gặp vấn đề về doanh thu tại Trung Quốc trong 6 tháng cuối của năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 năm sau. Trong quý tài khóa vừa rồi, Panasonic đã lỗ gần 9 tỷ USD.

Panasonic cho biết, doanh thu từ mảng thiết bị gia dụng, một trong những điểm sáng hiếm hoi của hãng ở thời điểm này, sẽ giảm khoảng 100 tỷ Yên, tương đương 1,3 tỷ USD, trong năm tài khóa hiện tại vì tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật.

“Đây là một nguyên nhân cho những quan ngại trong thời gian sắp tới”, Giám đốc phụ trách tài chính tại các thị trường nước ngoài của Panasonic, ông Hideaki Kawai, phát biểu.

Sau Panasonic, Sony cũng đưa ra dự báo thiệt hại khoảng 30 tỷ Yên doanh thu, một phần do bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay thương hiệu, phần khác do sự yếu kém của nền kinh tế Nhật hiện nay.

Hãng hàng không All Nippon Airways thì đang đối mặt với làn sóng hủy các chuyến bay của các tour du lịch theo nhóm trên các tuyến bay Trung Quốc. Nhà bay này cho biết “xét tới ảnh hưởng của các cuộc biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc đối với doanh thu từ vận chuyển hành khách quốc tế, doanh thu hoạt động được dự báo sẽ bị đẩy lùi khoảng 30 tỷ Yên” so với dự báo ban đầu.

Tổng mức thiệt hại đối với các công ty Nhật hiện còn là một con số khó đoán biết, bởi nhiều doanh nghiệp Nhật có mạng lưới tiêu thụ hàng hóa rộng ở Trung Quốc như các hãng xe Toyota và Nissan đều chưa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý tài khóa vừa rồi và dự báo mới nhất cho cả năm tài khóa.

Toyota sẽ đưa ra báo cáo này vào ngày 5/11, một ngày trước Nissan. Tuy nhiên, Nissan hôm 1/11 đã cho biết rằng, doanh số của hãng tại Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm khoảng 1 nửa so với cùng kỳ năm trước.

Hãng mỹ phẩm lớn nhất Nhật Bản Shiseido vừa hạ mức dự báo doanh thu tại các thị trường nước ngoài cho cả năm tài khóa một khoản là 6 tỷ Yên, trong đó 4-5 tỷ Yên được nhận định sẽ là mức thiệt hại doanh thu tại Trung Quốc. Hãng này cho biết, doanh thu của hãng tại Trung Quốc trong tháng 9 giảm 10% khi các cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản rầm rộ diễn ra.

Một số doanh nghiệp Nhật Bản khác cũng đã bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của mâu thuẫn lãnh thổ Trung-Nhật đối với doanh thu và doanh số. Từ đầu năm đến nay, doanh số của hãng máy ảnh Canaon đã thấp hơn 500.000 chiếc so với dự báo ban đầu do vấn đề ở thị trường Trung Quốc. Canon dự báo, trong cả năm 2012, hãng dự kiến bán được 19 triệu máy ảnh kỹ thuật số trên toàn cầu.

Phát biểu tại một cuộc họp báo cách đây ít hôm, Giám đốc tài chính của Canon, ông Toshizo Tanaka, tỏ ra khá bi quan khi nói rằng, người tiêu dùng ở Trung Quốc đang tẩy chay máy ảnh và các hàng hóa tiêu dùng khác của Nhật, trong khi các công chức Trung Quốc đã bị yêu cầu không mua thiết bị do Nhật sản xuất.

“Triển vọng lợi nhuận của chúng tôi hiện đang dựa trên kịch bản xấu nhất là tình hình hiện tại sẽ kéo dài cho tới hết năm”, ông Tanaka cho hay.