20:07 27/09/2021

Doanh nghiệp cần các “gói cứu trợ” kịp thời để quay trở lại sản xuất

Vũ Khuê

“Sống chung lâu dài với dịch bệnh” cần có cách làm mới. Việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết và cơ chế chính sách mới cần phù hợp, không bị cản trở bởi các quy định cũ...

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI đề xuất các kiến nghị tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp" ngày 26/9.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI đề xuất các kiến nghị tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp" ngày 26/9.

Những tổn thương do dịch bệnh kéo dài khiến sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam chỉ tính bằng tháng. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, doanh nghiệp ở nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).

Số tháng trung bình mà doanh nghiệp Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có thể tiếp tục cầm cự trong điều kiện hiện tại lần lượt là 5 tháng và 5,3 tháng. Trong khi đó, doanh nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc – nơi ít chịu ảnh hưởng hơn bởi đại dịch có thể kéo dài hoạt động thêm khoảng 8,4 tháng nếu tình trạng hiện tại không có nhiều cải thiện.

SỬA ĐỔI CÁC QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHỐNG DỊCH 

Theo đánh giá của ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam: “Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không, điều đó còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vaccine và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng và để kích thích phục hồi”.

Do vậy, để mở cửa trở lại, tái khởi động nền kinh tế cộng đồng doanh nghiệp đã đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp trong bối cảnh “sống chung với dịch bệnh”.

Tại "Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp" ngày 26/9, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI kiến nghị, Chính phủ cần sớm xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới.

Lãnh đạo VCCI nhấn mạnh, theo quan điểm “sống chung lâu dài với dịch bệnh” cần thích ứng và có cách làm phù hợp. Do đó, việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết và cơ chế chính sách mới cần phù hợp với tình hình và bối cảnh mới để công tác phòng chống đại dịch đạt hiệu quả cao, không bị cản trở bởi các quy định cũ là hết sức cần thiết và cấp bách.

Cụ thể, VCCI kiến nghị Bộ Y tế có hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo "điểm", theo "phạm vi hẹp" thay cho khu vực địa lý để bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất với Chính phủ và chính quyền địa phương giao toàn quyền cho họ chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn tại nơi làm việc từ phòng chống dịch, xét nghiệm, tiêm vaccine, lựa chọn các mô hình phòng chống dịch hiệu quả, phù hợp với từng doanh nghiệp... trên cơ sở các quy định, tiêu chí chung, thống nhất của Nhà nước và hướng dẫn của các ngành chức năng.

Bộ Y tế cần hoàn thiện Bộ quy tắc phòng chống dịch và tổ chức huấn luyện cho các địa phương và các doanh nghiệp thực hiện "y tế tại chỗ" trên cơ sở sử dụng tổ y tế, phòng y tế của doanh nghiệp.

Đồng thời, tiến hành đánh giá hiệu quả để tiếp tục hoàn thiện, thay đổi các mô hình sản xuất an toàn như “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm” do một số bất cập không thể bền vững trong thời gian dài.

 
Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất áp dụng công thức “7K+3T", trong đó 7K bao gồm: "khẩu trang - khoảng cách - khử khuẩn - không tụ tập - khai báo y tế - không khí trong lành - khỏe mạnh" và 3T là "tự phát hiện - tự cách ly - tự chăm sóc".

Liên quan đến chiến lược phủ rộng vaccine, người đứng đầu VCCI đề nghị chính quyền địa phương có chính sách ưu tiên, hỗ trợ người lao động tiêm vaccine đầy đủ, tạo điều kiện cho lao động di chuyển liên tỉnh để phục vụ công việc.

Để mở rộng nguồn vaccine, Chính phủ vận động các doanh nghiệp FDI xây dựng cơ chế tương hỗ vaccine giữa công ty mẹ ở chính quốc có nguồn vaccine với doanh nghiệp FDI. Về lâu dài, xây dựng cơ chế để doanh nghiệp tự cung ứng vaccine cho chính mình dưới sự hỗ trợ, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Công cho rằng lao động đang là vấn đề lớn của các doanh nghiệp trong việc duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh. Do đó, VCCI đề nghị các Bộ Y tế, Bộ Thông tin & Truyền thông khẩn trương hoàn thiện hệ thống “Thẻ xanh Covid-19”, thống nhất sử dụng 1 nền tảng, ứng dụng, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng.

Trong đó, lưu ý tích hợp, liên thông dữ liệu giữa hệ thống quản lý thẻ xanh trong nước với “hộ chiếu vaccine”, tạo thuận lợi cho đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

HỖ TRỢ TÀI CHÍNH LÀ NGUỒN SỐNG CỦA DOANH NGHIỆP

Để doanh nghiệp khôi phục sản xuất và phát triển, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP.

Đồng thời, kiểm tra tiến độ và hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ, miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh; miễn, giảm, hỗ trợ liên quan đến bảo hiểm xã hội...

 
Theo tính toán, với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ, các gói hỗ trợ của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ.

Các gói cứu trợ cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi. So sánh quy mô các gói hỗ trợ của Chính phủ một số nước trong khu vực năm 2020, VCCI cho rằng các gói hỗ trợ của Việt Nam còn khá khiêm tốn so với quy mô nền kinh tế.

Ngoài ra, Chính phủ cần lập một quỹ bảo đảm cho vay doanh nghiệp, như vậy, điều kiện cho vay có thể được nới lỏng, doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp một cách dễ dàng hơn.

Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức định tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn, có thể ở mức 80 - 85%. Đặc biệt, với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh là khu vực bị tổn thương nặng nề vì dịch bệnh nhưng rất khó tiếp cận các khoản vay.

Đồng thời, Chính phủ và các địa phương cần thúc đẩy mạnh hơn việc cho các đối tượng này được vay và huy động vốn dưới hình thức các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ khởi nghiệp.

VCCI đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức độ khoảng 4%/năm so với lãi suất thị trường từ nguồn ngân sách nhà nước, tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, vận tải, y tế, giáo dục đào tạo...