08:06 26/10/2024

Doanh nghiệp hợp tác xây dựng chuỗi giá trị rong biển giá trị cao

Chu Khôi

Trên 90% rong biển tiêu thụ ở Việt Nam hiện nay là nhập khẩu. Trong khi đó, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rong, tảo biển của Việt Nam vẫn theo hình thức tự phát, chưa hình thành liên kết chuỗi, vì thế, giá rong nguyên liệu còn thấp và bấp bênh…

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành rong biển. Ảnh minh họa.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành rong biển. Ảnh minh họa.

Ngày 25/10/2024, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS) thuộc Hội Thuỷ sản Việt Nam tổ chức hội thảo: “Khép kín chuỗi rong biển giá trị cao”.

CHƯA NHIỀU DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO CHIẾT XUẤT RONG BIỂN

Thông tin tại hội thảo, TS. Đinh Xuân Lập, Phó giám đốc ICAFIS thuộc Hội thuỷ sản Việt Nam, cho biết ngành nuôi trồng rong biển nước ta được phát triển hơn 10 năm trở lại đây. Diện tích rong biển của Việt Nam năm 2023 đạt 16.500 ha, với sản lượng 150.000 tấn. Rong biển được nuôi trồng nhiều ở vùng biển Bắc Bộ, tiếp đến là Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ...Tuy nhiên, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rong biển vẫn theo hình thức tự phát và chưa hình thành liên kết chuỗi. Người dân ven biển cũng chưa mặn mà với rong biển.

TS. Đinh Xuân Lập: “Trên 90% rong biển tiêu thụ ở Việt Nam là nhập khẩu".
TS. Đinh Xuân Lập: “Trên 90% rong biển tiêu thụ ở Việt Nam là nhập khẩu".

Theo ông Lập, rong biển từ các hộ dân hiện chủ yếu được bán thông qua thương lái (chiếm trên 90%). Rong biển bán trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, phần lớn được thu mua bởi Công ty TNHH Long Hải, Công ty TNHH JapiFoods, Công ty TNHH Trí Tín, Yến Sào Khánh Hòa…Rong nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp chế biến vẫn chủ yếu đến từ nguồn nhập khẩu. Ngoài ra, các sản phẩm rong đã qua chế biến chủ yếu là dòng snack, dòng cơm cuộn… được các công ty thương mại nhập và phân phối tại Việt Nam.

“Việt Nam là quốc gia có tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành rong biển, tuy nhiên hiện nay trên 90% rong biển tiêu thụ ở Việt Nam là nhập khẩu, bởi chế biến sâu về lĩnh vực này của chúng ta còn yếu”, ông Lập nhấn mạnh.

Rong biển là thực vật có giá trị dinh dưỡng cao và quý, bởi hàm lượng khoáng chất trong rong biển cao gấp 10 lần thực phẩm trên cạn. Rong biển chứa nhiều Vitamin B, C, E, K, axit béo omega- 3, protein, axit amin, polyphenol và khoáng chất như sắt, canxi, iốt...

Bên cạnh đó, thành phần lignans trong rong biển có tác dụng ngăn ngừa phát triển của các tế bào ung thư. Hoạt chất sinh học trong rong biển đã được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm…

Mặc dù có giá trị cao, song ông Lập cho biết chưa nhiều doanh nghiệp tham gia vào phân khúc sản xuất, chế biến rong biển, đặc biệt là sản phẩm chiết xuất.

Ký kết hợp tác xây dựng chuỗi nuôi trồng - chế biến rong biển giá trị cao.
Ký kết hợp tác xây dựng chuỗi nuôi trồng - chế biến rong biển giá trị cao.

Nói về cơ hội cho ngành rong biển Việt Nam, ông Lập cho hay thị trường toàn cầu đạt giá trị từ 16-20 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% mỗi năm; đồng thời xu hướng tiêu dùng thực phẩm xanh và năng lượng tái tạo ngày càng gia tăng. Vì vậy, để phát triển ngành rong biển trong thời gian tới, việc khép kín liên kết chuỗi từ “Cây giống - vùng trồng - sản xuất - thương mại - hệ thống tiêu thụ” là cần thiết.

Bên cạnh đó, thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi để chia sẻ giá trị, tạo động lực để người dân sẵn sàng trồng rong. Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ cao – công nghệ chiết để lấy được dưỡng chất quý của rong, cũng như khắc phục điểm yếu về mùi tanh của rong biển.

HỢP TÁC PHÁT TRIỂN CHUỖI GIÁ TRỊ RONG BIỂN

Tại hội thảo đã diễn ra lễ ký kết liên kết khép kín chuỗi giá trị rong biển giá trị cao giữa Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững, Công ty TNHH JapiFoods và STP Group, đồng thời ra mắt các sản phẩm rong biển giá trị cao Việt Nam.

Theo đó, Công ty TNHH JapiFoods là đơn vị thu mua các nguyên liệu rong từ các vùng nguyên liệu trồng của người nông dân, hợp tác xã, đơn vị cung ứng nguyên liệu và chế biến thành phẩm các sản phẩm chiết xuất từ rong. STP Group sẽ là đơn vị cung ứng nguồn giống rong và cung cấp nguyên liệu rong cho doanh nghiệp chế biến.

TS Nguyễn Thị Sâm, Giám đốc Công ty TNHH Japi Foods, cho rằng cần xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao giá trị cho rong biển, vì nhiều lý do, như: Đảm bảo chất lượng sản phẩm từ nguồn gốc đến thành phẩm; tạo ra giá trị bền vững cho ngành công nghiệp rong biển; đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh và an toàn; tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho ngư dân; giảm thiểu tác động đến môi trường; tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn và tốt cho sức khỏe...

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group, chia sẻ doanh nghiệp đã mạnh dạn đưa rong biển ra miền Bắc. Hiện doanh nghiệp chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho Công ty Long Hải.

Qua hợp tác này, công ty mong muốn tìm kiếm các đơn vị như JapiFoods để tạo giá trị cao hơn cho rong biển Việt Nam, đặc biệt là sẽ tăng thu nhập cho người nuôi trồng khi tham gia chuỗi giá trị này. Cùng với đó là từng bước phát triển ngành công nghiệp chế biến rong với sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Bà Bình cho hay trước đây mọi người chỉ nghĩ rằng chỉ nuôi trồng rong được ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, nhưng STP đã thực sự thành công với mô hình phát triển rong biển tại Trang trại nuôi biển và trải nghiệm STP ở Đảo Phất Cờ, Vân Đồn, Quảng Ninh.

"Giá trị của nông nghiệp đạt chuẩn 5 sao tại Việt Nam đang rất khó nhưng chúng tôi kỳ vọng và mong muốn làm tốt nhất, có giá trị, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương thông qua việc bán rong biển và phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, góp phần cải thiện chất lượng nước biển, giảm phát thải CO2 và duy trì sự đa dạng sinh học", bà Bình chia sẻ.

Để khai thác tiềm năng của ngành rong biển, ông Phạm Quốc Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị STP Group, cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, đầu tư vào công nghệ và xây dựng cơ chế chính sách phù hợp. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và sự quan tâm ngày càng tăng đến vấn đề bảo vệ môi trường, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong việc phát triển ngành công nghiệp tín chỉ carbon từ rong biển.