10:25 30/12/2021

Doanh nghiệp “khát” lao động thời vụ cho đơn hàng giáp Tết

Lưu Hà

Đầu quý 1 mỗi năm là thời điểm hầu hết các doanh nghiệp tăng tuyển lao động thời vụ để thực hiện việc gia tăng sản xuất các đơn hàng. Ngoài ra, nhiều vị trí việc làm trong lĩnh vực dịch vụ cũng sẽ tăng tuyển dụng các vị trí làm việc xuyên Tết Nguyên đán…

Những ngày giáp Tết, tần suất công việc của các doanh nghiệp sẽ tăng lên gấp đôi, có nơi gấp ba so với công việc thường ngày. Chính vì vậy nhu cầu tuyển lao động thời vụ bắt đầu có xu hướng tăng dần từ khoảng giữa tháng 12 hàng năm.

Các đối tượng tìm đến các công việc thời vụ này thường là sinh viên, lao động tự do hoặc những người không có việc làm ổn định. Công việc tuyển dụng trong những thời điểm này thường là thu ngân, người bán hàng, bảo vệ, người vận chuyển, giúp việc theo giờ, đóng gói hàng hóa... Người lao động có thể lựa chọn hưởng theo lương tháng, theo giờ hoặc theo sản phẩm nhưng, hầu hết là thu nhập cao gấp 2 - 3 ngày thường.

TRẢ LƯƠNG CAO VẪN KHÔNG CÓ NGƯỜI

Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty APT đồng thời là Phó chủ tịch Hội Lương thực và Thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết: những áp lực về chi phí, nguyên liệu doanh nghiệp có thể xoay xở được nhưng thiếu nhân công khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Mọi năm vào thời điểm này, thành phố sẽ đón lượng lớn lao động thời vụ ở các tỉnh lên làm hàng Tết ở các nhà máy, nhưng năm nay thị trường lao động khá ảm đạm.

“Doanh nghiệp của tôi đã liên hệ các trung tâm dịch vụ việc làm quận, thành phố nhờ giới thiệu lao động, đăng tin tuyển nhân sự lên mạng xã hội, các trang tuyển dụng, bố trí người nhận hồ sơ trực tiếp ở cổng công ty. Để hấp dẫn ứng viên, chúng tôi đã tăng lương, thu nhập cơ bản mỗi tháng của lao động mới lên tới hơn 8 triệu đồng nhưng vẫn không có người," ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tổ chức công ty Cổ phần Vang Thăng Long cũng cho biết, dịp cuối năm, đơn vị đang cần tuyển thêm khoảng 40 lao động thời vụ cùng nhiều vị trí khác như thủ kho bao bì, công nhân cơ điện… để phục vụ kế hoạch sản xuất. Mức lương cho lao động làm việc tại các vị trí này dao động từ 7 - 8 triệu đồng/tháng.

“Thời gian qua, công ty đã đẩy mạnh tuyển dụng bằng nhiều kênh khác nhau như qua trung tâm dịch vụ việc làm, mạng xã hội, các trang chuyên về tuyển dụng có mất phí, tuy nhiên vẫn chưa tuyển đủ lao động đáp ứng nhu cầu,” ông Nguyễn Quang Vinh cho biết.

Để hấp dẫn ứng viên, nhiều doanh nghiệp đã tăng thu nhập cơ bản mỗi tháng của lao động nhưng vẫn chưa tuyển đủ lao động đáp ứng nhu cầu.
Để hấp dẫn ứng viên, nhiều doanh nghiệp đã tăng thu nhập cơ bản mỗi tháng của lao động nhưng vẫn chưa tuyển đủ lao động đáp ứng nhu cầu.

Hoạt động trờ lại từ đầu tháng 11, thế nhưng đến nay số lao động của Công ty CP Thiên Hương (Q.12) đến làm việc chưa đạt 70%. Bà Lâm Thị Lý, Giám đốc nhân sự doanh nghiệp này, cho hay, đơn vị đang thiếu khoảng 100 lao động. Do đây là cao điểm làm hàng Tết, việc thiếu nhân công khiến đơn hàng cuối năm trì trệ, không kịp tiến độ giao hàng.

Không chỉ thiếu lao động có tay nghề, doanh nghiệp này hiện còn không tuyển được nhân viên thời vụ để bán hàng hội chợ cuối năm. Theo chia sẻ của bà Lý, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh, một lượng lớn người lao động rời thành phố về quê đến nay vẫn chưa quay lại, thêm vào đó, sinh viên tại các trường đại học cũng vẫn đang học online, chưa trở lại thành phố nên nguồn cung lao động thời vụ bị khan hiếm.

CẦN HỖ TRỢ PHỤC HỒI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết: từ nay đến cận Tết, các doanh nghiệp cần tuyển 33.000 - 42.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông để hoàn thành đơn hàng thời vụ. Trong đó, 70% nhu cầu tuyển lao động phổ thông liên quan các ngành may mặc, giày da, cơ điện - điện tử, chế biến và các ngành thương mại, dịch vụ khác với mức thu nhập bình quân mỗi tháng 7 - 15 triệu đồng.

 
Theo các trung tâm giới thiệu việc làm, năm nay, bên cạnh mức lương, thưởng, chế độ đãi ngộ, người lao động còn quan tâm nhiều đến việc đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc. 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Dịch vụ việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM) thì tuyển dụng không dễ. Trung tâm đã phối hợp với các tỉnh để giới thiệu việc làm cho người lao động nhưng số lượng quay lại thành phố khá thấp. Một trong những chương trình tiêu biểu trung tâm triển khai là “combo 3 trong 1” hỗ trợ việc làm, test Covid-19 miễn phí và nhà trọ 0 đồng, kết hợp các địa phương, doanh nghiệp đưa đón tận nơi nhưng lao động vẫn không mặn mà.

Tương tự, tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội, từ trung tuần tháng 12, nhu cầu tuyển dụng lao động đáp ứng các đơn hàng dịp lễ, tết cuối năm tăng mạnh. Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết chỉ trong tuần từ ngày 13 – 17/12 đơn vị này đã kết nối các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương thông báo hơn 17.000 vị trí tuyển dụng. Riêng tại Hà Nội có 35 doanh nghiệp  tham gia tuyển dụng 1.210 chỉ tiêu, với hơn 500 chỉ tiêu việc làm thời vụ Tết Nguyên đán, tập trung chủ yếu là gói giỏ quà tết, nhân viên bán hàng, thu ngân…

“Các mức thu nhập được nhiều doanh nghiệp đưa ra khá hấp dẫn với nhiều phân khúc lương từ hơn 10 triệu đồng/tháng cho các vị trí tuyển dụng chất lượng cao như quản lý, giám sát, nhân viên có kinh nghiệm và chuyên môn tốt... Những lao động chưa có tay nghề, sinh viên hoặc lao động làm các công việc thời vụ, bán hàng dịp tết, mức lương thường từ 5 - 7 triệu đồng/tháng,” ông Thành thông tin.

Ngày 30/12 , Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ phối hợp với 6 địa phương phía Bắc để tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến cuối cùng của năm 2021.
Ngày 30/12 , Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ phối hợp với 6 địa phương phía Bắc để tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến cuối cùng của năm 2021.

Hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐTBXH) đang triển khai “Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động”. Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh, mục tiêu cụ thể của chương trình là duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ người làm động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh; đặc biệt hỗ trợ để thu hút người lao động ngoại tỉnh quay lại làm việc.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH và các địa phương hỗ trợ thu hút người lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thông qua tổ chức phối hợp, thông tin giữa các địa phương trong công tác hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc, tạo điều kiện để người lao động di chuyển trở lại các địa phương đã từng làm việc bằng phương tiện vận tải công cộng hoặc phương tiện cá nhân, ưu tiên tầm soát xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine phòng Covid-19 ít nhất 1 mũi trước khi di chuyển ra khỏi tỉnh đến các địa phương khác làm việc…

Trước mắt, để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, nhiều doanh nghiệp đã phải tính toán lại phương án sản xuất, giảm bớt các khâu không cần thiết, dừng sản xuất các mặt hàng không thiết yếu hay các mặt hàng được dự đoán sức mua giảm dịp Tết, để tập trung cho các đơn hàng có sức mua lớn và đơn hàng xuất khẩu. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp phải tiến hành thương lượng tăng ca với người lao động, đồng thời gia tăng chính sách lương thưởng để tăng năng suất lao động.