10:59 14/12/2021

Doanh nghiệp TP.HCM chung tay bình ổn thị trường Tết

Lưu Hà

Từ đầu tháng 12/2021 đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã lần lượt tung ra thị trường đa dạng sản phẩm phục vụ thị trường và triển khai kế hoạch giảm giá hàng hóa từ nay đến cận Tết…

Hiện nay, hệ thống phân phối hiện đại của TP.HCM đang duy trì hoạt động 237 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và 3.026 cửa hàng tiện lợi. Dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các siêu thị tổng hợp và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì khả năng cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân. Cùng với đó, hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ đã khởi động các chương trình để cùng thành phố bình ổn thị trường Tết.

CỐ GĂNG ĐỦ HÀNG HÓA, KHÔNG TĂNG GIÁ

Ghi nhận tại hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn TP.HCM như Vincom, SC Vivocity, LOTTE Mart, Co.opXtra, Co.opmart, Satra Mart..., có thể thấy hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã bắt đầu nhộn nhịp.

Ngoài bao bì bắt mắt, đảm bảo chất lượng thì những nhóm hàng hóa tham gia thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 chủ yếu là hàng Việt và sản phẩm sản xuất trong nước. Trong số đó, có thể kể đến những nhóm ngành hàng đã có sản phẩm Tết giới thiệu ra thị trường như các loại hạt, đồ khô, bánh kẹo, nước giải khát và một số loại mứt Tết.

Đặc biệt, những đơn vị tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cũng dành phần lớn kinh phí để trữ lượng nhóm hàng bình ổn thị trường, gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản... Đồng thời, tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giai đoạn kinh doanh cao điểm này, nhất là nhóm hàng thực phẩm thời vụ Tết.

Điển hình, Saigon Co.op lên kế hoạch dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Theo Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng, đồng hành cùng người tiêu dùng, toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ cố gắng giữ và giảm giá trong giai đoạn cuối năm. Trong số đó, có thể kể đến chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hơn hàng nghìn sản phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Nhóm hàng hóa tham gia thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 chủ yếu là hàng Việt và sản phẩm sản xuất trong nước.
Nhóm hàng hóa tham gia thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 chủ yếu là hàng Việt và sản phẩm sản xuất trong nước.

Tương tự, Quản lý cấp cao Marketing Emart Lê Hữu Tình cho biết, doanh nghiệp đã sẵn sàng cho lượng hàng tết năm nay sẽ tăng khoảng 15%. Đáng chú ý, hàng tết năm nay tại Emart có hơn 95% được sản xuất trong nước, tập trung nhiều vào hàng thiết yếu. “Các nhóm hàng đặc thù cho mùa tết được ưu tiên cho nhóm không tăng giá để hỗ trợ tiêu dùng. Các mặt hàng quà tặng tết được thiết kế theo các gói quà tặng giá thấp hơn năm trước 10% - 30% để thích hợp với tiết kiệm chi tiêu của doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn,” ông Tình chia sẻ.

Đại diện Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn cũng cho biết, nguồn hàng dự phòng cho cao điểm mùa tết năm nay sẽ tăng gấp 3 lần ngày thường và có kế hoạch sản xuất liên tục nếu nhu cầu tăng đột biến. “Doanh nghiệp chúng tôi nằm trong Chương trình bình ổn thị trường của thành phố và ký kết với bạn hàng từ đầu năm nên giá cả sẽ không có biến động, thậm chí một số mặt hàng sẽ được giảm giá để đồng hành cùng người dân vượt qua mùa dịch, đón tết an vui…,” vị này cho biết.

KÍCH CẦU ĐỂ GIÚP HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT TĂNG TRƯỞNG

Liên quan đến kế hoạch tham gia thị trường hàng hóa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM đánh giá tác động từ dịch Covid-19 khiến nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh hàng hóa đối mặt với thách thức về giá nguyên vật liệu tăng, sức mua yếu... Chính vì vậy, những đơn vị này phải cân đối giải pháp và linh hoạt sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, bình ổn giá hàng hóa phục vụ Tết năm nay.

 
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp nằm trong Chương trình bình ổn của TP.HCM đều cho biết sẽ tăng sản lượng 15% - 20% so với những ngày bình thường. Hầu hết doanh nghiệp cam kết không tăng giá, đặc biệt các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.

Trong bối cảnh đó, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM đã kiến nghị Ủy ban TP.HCM và Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Thông qua đó, đơn vị sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán được tạo điều kiện thuận lợi, có đủ nguồn vốn dự trữ hàng hóa, nguyên liệu bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.

Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết Sở đang tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại các hệ thống phân phối và các cơ sở sản xuất - kinh doanh; phối hợp với các quận, huyện và TP.Thủ Đức rà soát, đánh giá, khôi phục hoàn toàn hoạt động các chợ truyền thống trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Trong đó, khôi phục hoạt động chợ đầu mối Bình Điền, chợ đầu mối Hóc Môn, đồng thời duy trì điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thời từ các tỉnh về TP.HCM tại chợ đầu mối Thủ Đức nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường.

"Giá cả hàng hóa, nguyên phụ liệu, vật liệu sản xuất trên thế giới lẫn trong nước đều tăng cũng tác động mạnh đến giá cả hầu hết các mặt hàng và quyết định mua sắm của người dân. Hiện nhiều doanh nghiệp đang tích cực tham gia chương trình khuyến mãi tập trung của TP.HCM, chấp nhận kìm giữ giá và giảm giá sâu để giữ thị trường, tăng doanh thu bán hàng," ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết.

Hiện nhiều doanh nghiệp đang tích cực tham gia chương trình khuyến mãi tập trung của TP.HCM.
Hiện nhiều doanh nghiệp đang tích cực tham gia chương trình khuyến mãi tập trung của TP.HCM.

Hiện, thành phố đang tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung từ ngày 15/11 đến 31/1. Vào hằng năm, chương trình sẽ được tổ chức thành 2 đợt, tuy nhiên năm nay do vừa trải qua đợt dịch kéo dài, sức mua giảm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi sản xuất - kinh doanh nên chương trình tổ chức kéo dài nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cải thiện đầu ra cho sản phẩm.

"Chương trình khuyến mãi tập trung mà thành phố đang triển khai cũng là cách để các doanh nghiệp từ hệ thống phân phối đến các nhà cung ứng phối hợp, đồng lòng tính toán một kế hoạch chung để giúp giữ giá và có thể giảm giá xuống. Tăng cường hàng hóa, hàng trong kho ra để cung ứng cho thị trường nhằm tăng sức mua. Đây là một trong những cách giúp hoạt động sản xuất tăng trưởng," ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay.

Theo Sở Công thương TP.HCM, đến thời điểm này, các doanh nghiệp nằm trong Chương trình bình ổn của TP.HCM đều cho biết sẽ tăng sản lượng 15% - 20% so với những ngày bình thường. Hầu hết doanh nghiệp cam kết không tăng giá, đặc biệt các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. UBND TP.HCM cũng sẽ lập tổ liên ngành do Sở Tài chính chủ trì để kiểm tra, xử lý ổn định giá cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán.