Doanh nghiệp lương thực, thực phẩm TP.HCM tích cực đáp ứng đơn hàng mới
Trong những tháng đầu năm 2024, ngành lương thực, thực phẩm của TP.HCM có dấu hiệu khởi sắc trở lại, các doanh nghiệp đang tích cực sản xuất để đáp ứng các đơn hàng mới…
Trong những tháng đầu năm 2024, ngành lương thực, thực phẩm của TP.HCM đang có dấu hiệu hồi phục và khởi sắc trở lại, các doanh nghiệp đang tích cực sản xuất để đáp ứng các đơn hàng mới, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy hải sản.
Đây là thông tin được bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM chia sẻ tại buổi họp báo về chương trình “Triển lãm quốc tế ngành Lương thực, thực phẩm TP.HCM 2024” (HCMC FOODEX 2024) do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 16/4/2024.
Thông tin thêm về tình hình xuất khẩu nông sản, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC, cho biết kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 3/2024 đạt 4,85 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái nên kim ngạch xuất khẩu tăng gần 22%, đạt 13,53 tỷ USD. Tăng trưởng được ghi nhận tại hầu khắp các thị trường.
Ông Lữ đánh giá ngành nông sản của Việt Nam đang xuất hiện nhiều cơ hội mới, khi có thể tận dụng tiềm năng xuất khẩu của mình vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản nhờ vào sự đa dạng và chất lượng cao của các mặt hàng như cà phê, lúa gạo, hạt điều...
“Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP.HCM 2024” (HCMC FOODEX 2024) được diễn ra từ ngày 15/5 – 18/5/2024 là cơ hội để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm giới thiệu sản phẩm mang thương hiệu Việt và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm tốt ra thị trường thế giới.
Hội chợ sẽ là nơi giúp doanh nghiệp kết nối và phát triển chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu, trong đó, có doanh nghiệp, nhà thu gom hàng nông sản, nhà sản xuất, chế biến và phân phối, các đơn vị cung ứng dịch vụ logistics, sẽ giúp đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và an toàn, với mức giá cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, ông Lữ cho rằng Việt Nam cũng phải đối diện với những thách thức trong thời gian sắp tới. Tham gia các FTA thu hút vốn FDI, nhưng lại tạo ra áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài. Sự cần thiết của tiêu chuẩn chất lượng cao và yêu cầu về môi trường là một thách thức, cũng như áp lực từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và nhu cầu đầu tư vào công nghệ để tăng cường cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Thực tế phản hồi từ các doanh nghiệp trong ngành, bà Chi cho biết thêm vẫn còn những khó khăn đối với các doanh nghiệp lương thực thực phẩm. Hiện một số thị trường xuất khẩu lớn của ngành lương thực thực phẩm, điển hình như EU đã đưa ra những cảnh báo về việc sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chí xanh nếu muốn xuất khẩu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, những khó khăn trong vấn đề logistics cũng khiến chi phí vận chuyển của doanh nghiệp bị tăng lên nhiều, cùng với đó là giá của các loại nguyên liệu nhập khẩu cũng liên tục tăng lên trong khi doanh nghiệp không thể tăng đầu ra.
Vì vậy, hội chợ triển lãm cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, tiếp cận thông tin và xây dựng chiến lược đổi mới máy móc, công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Với nguồn nguyên liệu phong phú, ngành lương thực và thực phẩm vẫn còn nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển. Các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm như: rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm…