09:08 06/06/2008

Doanh nghiệp Nhật nhận xét về Việt Nam

Phụng Tiên

Việt Nam được các công ty Nhật Bản tại Nhật và các nước xung quanh đánh giá là địa điểm đầu tư tốt nhất trong thời gian tới

Phần lớn nhà đầu tư Nhật Bản có ý định mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Phần lớn nhà đầu tư Nhật Bản có ý định mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Việt Nam được các công ty Nhật Bản tại Nhật và các nước xung quanh đánh giá là địa điểm đầu tư tốt nhất trong thời gian tới.

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa mới công bố kết quả cuộc điều tra được tiến hành hàng năm về so sánh chi phí đầu tư và đánh giá của các công ty Nhật Bản về môi trường đầu tư kinh doanh tại châu Á.

Theo kết quả của điều tra này, Việt Nam được các công ty Nhật Bản tại Nhật và các nước xung quanh đánh giá là địa điểm đầu tư tốt nhất trong thời gian tới. Phần lớn các công ty Nhật tại Việt Nam đều có ý định mở rộng hoạt động trong 1-2 năm nữa.

Cuộc điều tra cũng chỉ ra những trở ngại chính đối với các công ty Nhật trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, như: công nghiệp phụ trợ còn yếu, cơ sở hạ tầng kém phát triển, thủ tục hành chính (hải quan) phiền phức...

Áp lực về lao động và bất động sản

Theo đánh giá của các công ty Nhật Bản, lực lượng lao động của Việt Nam cạnh tranh, nhưng khó tuyển dụng. Mức lương tháng của công nhân, kỹ sư và cán bộ quản lý cấp trung gian ở Việt Nam được đánh giá gần như ở mức thấp nhất trong khu vực.

Đây là chi phí có tính cạnh tranh cao của Việt Nam và thực ra là một trong những yếu tố có tính quyết định khi các công ty Nhật Bản xem xét kế hoạch đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Chi phí lao động thấp nhất trong các nước ASEAN là lý do vì sao Việt Nam được chọn là “cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu sang các nước thứ ba”.

Tuy nhiên, giảm chi phí lại không phải là giải pháp đầu tiên của các công ty Nhật Bản để đối phó với đối thủ cạnh tranh. Khi coi các công ty Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất đặc biệt là thế mạnh về giá của những công ty này, khoảng 60% nhà đầu tư Nhật Bản ở châu Á đã dự định tăng giá trị gia tăng của sản phẩm/dịch vụ trước khi giảm chi phí. Đây cũng là xu hướng chung ở Việt Nam với tỷ lệ tương ứng của các công ty sản xuất là hơn 40% và công ty phi sản xuất là 76%.

Chi phí lao động do đó không phải là yếu tố quan trọng duy nhất khi tuyển dụng lao động, thay vào đó chất lượng lao động (đặc biệt là năng suất và trình độ đã qua đào tạo) và an ninh lao động (các vấn đề về đình công và các tranh chấp liên quan đến lao động) có vai trò đáng kể trong các quyết định tuyển dụng.

Thêm vào đó, ở Việt Nam đặc biệt khó khi tuyển cán bộ quản lý cấp trung gian cho các công ty sản xuất và kỹ sư cho các công ty phi sản xuất, qua đó cho thấy nguồn nhân lực tại Việt Nam hiện vừa thiếu vừa không có trình độ như mong muốn.

Bất động sản cũng là lĩnh vực được các doanh nghiệp Nhật đặc biệt quan tâm bởi vì sự “đặc biệt đắt đỏ” của nó. “Thiếu văn phòng cho thuê và giá thuê tăng” được các công ty phi sản xuất của Nhật coi là khó khăn lớn nhất trong môi trường đầu tư, và vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng tại Singapore và Việt Nam.

Các thành phố ở Việt Nam đã trở nên đắt đỏ nhất trong các nước ASEAN trừ Singapore, và đặc biệt văn phòng ở Hà Nội đã nằm trong danh sách 5 thành phố đắt nhất trong cả khu vực. Chi phí thuê nhà ở Việt Nam tăng lên cũng khiến chi phí sinh hoạt của người nước ngoài tại đây bị đội lên, đặc biệt là tại Tp.HCM, nơi bị coi là có giá thuê nhà cao thứ ba trong khu vực.

Lựa chọn của nhà đầu tư Nhật trong trung và dài hạn

Về ngắn hạn trong 1-2 năm tới, các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng chủ đạo là mở rộng quy mô hoạt động. Một tỉ lệ rất cao với 92,6% các công ty sản xuất của Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam dự định sẽ mở rộng quy mô, và đây là tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Tỷ lệ dự định mở rộng của các công ty phi sản xuất tại Việt Nam cũng là cao nhất (88,2%).

Những kế hoạch mở rộng này sẽ được thực hiện chủ yếu bằng cách mở rộng đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển thị trường. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ dự định mở rộng quy mô ở Việt Nam không chỉ là mức cao nhất trong khu vực, mà quan trọng không kém là không có công ty Nhật Bản nào ở Việt Nam và Ấn Độ có ý định thu hẹp hoặc chuyển đến nước khác.

Nhìn về trung hạn trong 5-10 năm tới, Việt Nam được xem là địa điểm đầu tư lý tưởng đối với các công ty Nhật Bản ở nước khác. Kết quả điều tra cho thấy 33,7% công ty Nhật Bản tại các nước khác đánh giá Việt Nam là địa điểm đầu tư có triển vọng nhất trong khu vực trong tương lai trung và dài hạn (5-10 năm), cao hơn mức 31,2% năm 2006.

Tỷ lệ đánh giá tương tự đối với Thái Lan (nước đứng thứ hai) là 22,3%, tương đương mức năm 2006. Ngược lại, tỷ lệ đánh giá đối với Trung Quốc đã giảm từ 22,9% năm 2006 xuống còn 17,5% năm 2007, chủ yếu do những thay đổi bất lợi về nhân công, thay đổi chính sách đối với đầu tư nước ngoài, thuế...

Những công ty này nhắm tới Việt Nam như một cơ sở sản xuất các sản phẩm trung đến thấp cấp để xuất khẩu, chủ yếu dựa vào nhân công rẻ tại Việt Nam. Xu hướng này đòi hỏi Việt Nam phải đặc biệt cải thiện các dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, như giao thông vận tải, thủ tục hải quan (thủ tục hải quan phức tạp tại Việt Nam là vấn đề bị các công ty phi sản xuất kêu ca nhiều nhất). Các ngành công nghiệp tiềm năng được những công ty này quan tâm là máy móc thiết bị điện điện tử, linh kiện phụ tùng điện điện tử, sản phẩm kim khí, và máy móc nói chung.

Điểm đáng chú ý trong báo cáo này là mặc dù Việt Nam được những công ty Nhật tại Nhật Bản và các nước xung quanh đánh giá cao, nhiều công ty Nhật Bản tại Việt Nam dự định mở rộng quy mô trong thời gian tới nhưng niềm tin của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam theo điều tra không cao như trước.

Nguyên nhân chủ yếu khiến niềm tin của họ giảm sút là do Việt Nam kém hơn các nước ASEAN khác về khả năng mua nguyên liệu phụ tùng, và cơ sở hạ tầng chưa thuận lợi. Công nghiệp phụ trợ của Việt Nam thực sự là một vấn đề đáng lo ngại khi mà tỷ lệ nội địa hóa tại đây ở mức thấp nhất trong khu vực, chỉ 26,5% so với trung bình khu vực là 40,1%, và tỷ lệ này tại Thái Lan (nước đứng đầu về nội địa hóa) là hơn gấp đôi Việt Nam.

Giảm chi phí mua hàng đã trở thành một vấn đề cấp bách và nhiều công ty Nhật Bản dự định sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa, đòi hỏi các nhà cung cấp của Việt Nam phải quyết tâm nâng cao chất lượng nguyên liệu phụ tùng cũng như đảm bảo nghiêm túc thời hạn giao hàng.

Cơ sở hạ tầng kém phát triển là mối quan ngại của cả công ty sản xuất và phi sản xuất, và Việt Nam là một trong 4 nước bị các doanh nghiệp Nhật Bản phàn nàn nhiều nhất. Đây không phải là lần đầu tiên cơ sở hạ tầng bị coi là vấn đề nghiêm trọng nhất trong môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Điều này cho thấy Việt Nam cần thực sự chú trọng vào nâng cấp cơ sở hạ tầng, điện năng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc... trong thời gian tới.