15:58 03/12/2022

Doanh nghiệp “than” bất cập về thủ tục quá cảnh

Đỗ Mến

Các doanh nghiệp vận tải vừa có đơn thư đến VnEconomy phản ánh bất cập về việc kiểm tra thực tế hàng quá cảnh vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa tại Chi cục Hải quan khu vực I, Cục Hải quan TPHCM...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo các doanh nghiệp, tuyến hàng hóa quá cảnh đi Cambodia bằng đường thủy nội địa đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các doanh nghiệp phản ánh gồm Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Gemadept, Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp Vận Toàn Cầu, Công ty cổ phần Vận tải Thủy Tân Cảng, Công ty cổ phần Tân Cảng Cypress đã gửi công văn đến Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM; Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Bộ Tài chính; Bộ Giao thông – Vận tải; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam; Các Hiệp hội VLA, VISABA, VNSC và Hiệp hội Vận tải Thủy Nội địa.

 DOANH NGHIỆP THAN BỊ GÂY KHÓ DỄ 

Theo các doanh nghiệp này, việc kiểm tra thực tế một container trong một tờ khai lại giữ lại toàn bộ các container trong tờ khai đó dẫn đến mỗi container bị kiểm hóa kéo theo từ 30-50 container khác cùng vận đơn và tờ khai bị giữ lại đến khi hoàn thành việc kiểm hóa.

Thời gian từ lúc container bị tạm ngừng thông quan đến lúc hoàn thành kiểm hóa kéo dài trung bình từ 15-45 ngày. Việc ra quyết định giữ hàng kiểm hóa sau 3-10 ngày mới gửi cho người khai hải quan.

Các doanh nghiệp vận tải cũng tố các công chức hải quan khi kiểm tra thường xuyên gây khó khăn như yêu cầu dỡ hàng ra khỏi container, mặc dù hàng hóa đồng nhất có thể nhìn thấy; không ra ngay biên bản sau khi kiểm hóa xong; kéo dài thời gian hoàn thành giấy tờ hành chính để thông quan cho lô hàng. Do đó, doanh nghiệp phát sinh chi phí kiểm hóa, lưu container, lưu bãi, chưa kể kiểm hóa thành nhiều lần khiến khách hàng, đối tác bất bình.

Các doanh nghiệp vận tải gửi công văn phản ánh bất cập về thủ tục quá cảnh tuyến hàng hóa đi Cambodia.
Các doanh nghiệp vận tải gửi công văn phản ánh bất cập về thủ tục quá cảnh tuyến hàng hóa đi Cambodia.

Cũng theo các doanh nghiệp này, quyết định kiểm tra xác xuất 10% hàng hóa nhưng thực chất là kiểm tra 100% hàng hóa. Lý do là công chức hải quan luôn yêu cầu dỡ hết hàng ra khỏi container để kiểm tra hàng đóng ở cuối container.

Mặt khác, công chức hải quan yêu cầu doanh nghiệp kê khai bản kê chi tiết danh mục hàng hóa quá cảnh đóng trong container tương tự như hàng hóa xuất nhập khẩu theo mẫu số 9 Phụ lục II Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018. Từ đó, phạt doanh nghiệp vận chuyển lỗi vi phạm hành chính.

BẤT CẬP CỦA THÔNG TƯ 39

Các doanh nghiệp vận tải cũng cho rằng, hiện nay, quy định tại Thông tư 39/2018/TT-BTC áp dụng với hàng container quá cảnh trên tuyến vận tải thủy giữa hai quốc gia Việt Nam – Campuchia chưa phù hợp với các tiêu chuẩn vận tải quốc tế.

Theo Điều 3, Hiệp định quá cảnh hàng hóa nêu rõ: “Việc kiểm tra hàng hóa quá chỉ áp dụng trong trường hợp cơ quan hải quan nghi ngờ rằng hàng hóa quá cảnh có nguy cơ cao trong việc vi phạm các điều khoản của Hiệp định này hoặc các quy định pháp luật về hải quan”.

Điều 12, Hiệp định vận tải thủy nêu: “Các luật, quy tắc và các quy định theo đó mà quyền tự do giao thông thủy được thực hiện bao gồm các thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, y tế và kiểm dịch động thực vật sẽ được áp dụng và với mục đích tăng cường các điều kiện đi lại, các luật, quy tắc quy định này sẽ được hài hòa thông qua các quyết định chung của hai bên ký kết… được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự, thương mại, giao thông thủy nội địa và pháp luật hàng hóa hiện hành và phù hợp các công ước và tiêu chuẩn quốc tế đã được các bên ký kết công nhận”.

Điều 16 Hiệp định vận tải thủy nêu rõ: “việc kiểm tra theo các luật và quy định sẽ được thực hiện nhưng không được gây cản trở một cách không cần thiết việc thực hiện tự do giao thông thủy… Ngoại trừ những loại hàng hóa như vũ khí, đạn dược… thì không cần bất kỳ giấy phép quá cảnh, xuất nhập khẩu của cơ quan có thẩm quyền của nước quá cảnh cho việc vận tải quá cảnh các loại hàng hóa”.

Tuy nhiên, tại Mẫu số 9 Phụ Lục II Thông tư số 39/2018/TT-BTC yêu cầu “nhập đầy đủ mã số hàng hóa quy định tại Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam… theo từng mặt hàng trong lô hàng vận chuyển”.

Doanh nghiệp cho rằng, hải quan KVI-TPHCM dựa vào điều này để liên tục kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh và xử phạt doanh nghiệp vận tải với các lỗi rất vô lý như: hàng đóng sai quy cách, sai số lượng…, trong khi hàng hóa không thuộc các mặt hàng cấm, còn nguyên niêm phong.

Theo doanh nghiệp, điều này dẫn đến nguy cơ thất thu ngân sách, doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm do mất nguồn hàng; nguy cơ mất giao thương giữa hai nước. Doanh nghiệp chịu chi phí lớn, thời gian giao hàng kéo dài cho việc lưu container, bãi, chi phí phục vụ kiểm hóa…

Với các lý do trên, các doanh nghiệp kiến nghị không áp dụng việc khai báo chi tiết hàng hóa quá cảnh theo Thông tư 39 nhằm đảm bảo hàng hóa được lưu thông thuận lợi, phù hợp các hiệp định giữa hai nước.

Mặt khác, cần áp dụng việc khai báo hàng container quá cảnh của người vận chuyển bằng đường thủy nội địa tương tự như các hãng vận chuyển hàng hóa đang thực hiện. Xây dựng hướng dẫn riêng rõ ràng, thống nhất về việc kiểm tra, giám sát hàng quá cảnh…

Đặc biệt, khi cơ quan hải quan quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa trong 1 container, giải phóng ngay các container còn lại thuộc tờ khai bị kiểm hóa để tiếp tục vận chuyển. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục quá cảnh và chỉ kiểm tra thực tế khi thực sự cần thiết.