18:27 14/10/2024

Doanh nghiệp TP.HCM được tiếp thêm hơn 425.600 tỷ đồng vốn tín dụng

Vân Nguyễn

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến cuối tháng 9/2024 đạt 5,83% so với cuối năm ngoái, xa mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 15%. Song, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn giải ngân tích cực, đạt hơn 425.600 tỷ đồng, bằng 83,4% quy mô đã cam kết….

Hơn 425.600 tỷ đồng được giải ngân từ chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh tính đến tháng 9/2024.
Hơn 425.600 tỷ đồng được giải ngân từ chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh tính đến tháng 9/2024.

Ngày 14/10, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) đã phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) tổ chức hội nghị kết nối cho vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn địa phương.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, hội nghị kết nối lần này là 1 trong 3 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo chuyên đề mà Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các sở, ngành và các tổ chức tín dụng dự kiến sẽ tổ chức trong tháng 10/2024, nhằm tạo hiệu ứng và hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm.

KỊP THỜI THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Từ nhiều năm qua, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã được triển khai đầu tiên tại Thành phố, sau đó lan tỏa ra cả nước, góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, phục hồi kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm nay, theo ghi nhận, một loạt ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai chương trình kết nối, đẩy mạnh vốn ra thị trường như ACB, Agribank, BIDV, Sacombank…

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đến cuối tháng 9/2024 tăng 5,83% so với cuối năm ngoái. Con số này còn xa mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 15%. Tuy nhiên, riêng chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệpở TP. Hồ Chí Minh lại giải ngân rất tích cực.

Ông Lệnh cho hay ngay từ đầu năm 2024, đã có 17 ngân hàng trên địa bàn đăng ký tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 509.800 tỷ đồng. Đến nay, con số giải ngân đã đạt hơn 425.600 tỷ đồng, bằng 83,4% quy mô gói hỗ trợ đã cam kết hồi đầu năm.

“Tốc độ giải ngân khả quan đã trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp về vốn và lãi suất để tăng trưởng và phát triển sản xuất - kinh doanh. Kết quả này tiếp tục phản ánh tính thiết thực và hiệu quả của chương trình, với số lượng doanh nghiệp được tiếp cận và được hỗ trợ là con số cụ thể, đang hoạt động hiệu quả tại các địa bàn”, ông Lệnh nhận xét.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ HUBA cho biết vốn luôn là điều kiện tiên quyết mà doanh nghiệp cần bảo đảm trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. “Chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp đã cho thấy đây là kênh tiếp vốn quan trọng, hiệu quả, giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng với lãi suất hợp lý nhằm vượt qua khó khăn và phát triển sản xuất - kinh doanh”, ông Hòa nhấn mạnh.

Đồng thời, chương trình đã nâng cao tính chủ động và trách nhiệm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp cảu các ngân hàng thương mại; mở rộng đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả. “Với những sự nỗ này, các doanh nghiệp đã dễ dàng tiếp cận những nguồn vốn cần thiết với chi phí thấp”, ông Hòa nhìn nhận.

DOANH NGHIỆP VẪN CẦN TRỢ LỰC

Theo kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa công bố, niềm tin của doanh nghiệp đã được củng cố, tăng cường với triển vọng tích cực nhưng vẫn cần vun đắp. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn khu vực kinh tế tư nhân tỏ ra hụt hơi, vẫn còn khó khăn về dòng tiền, tiếp cận vốn vay…

Lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Trước đó, khảo sát của HUBA trong quý 2/2024 cũng cho thấy khoảng 16% doanh nghiệp gặp khó khăn vì thiếu vốn sản xuất - kinh doanh. Hệ quả từ hàng loạt khó khăn trong thời gian qua là hầu hết doanh nghiệp đang cạn kiệt dòng tiền.

“Ngoài yếu tố trầm lắng của hoạt động thương mại, doanh nghiệp chưa thật sự có nhu cầu vay vốn, cùng yêu cầu chặt chẽ của chính sách tín dụng khiến việc vay tín chấp hoặc thế chấp tài sản vẫn gặp khó”, HUBA cho biết.

Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần yêu cầu ngành ngân hàng đẩy mạnh chương trình kết nối với nhiều kênh, nhiều hình thức để khơi thông dòng vốn, tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, nhiều ngân hàng thương mại cũng đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh từ nay tới cuối năm.

Ông Ngô Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), cho biết có 3 động lực phát triển lớn mà ACB sẽ tập trung cung cấp vốn từ đây đến cuối năm. Đó là doanh nghiệp FDI, tín dụng xanh và kích cầu tiêu dùng.

Đồng thời, ACB cũng có những giải pháp phù hợp từng đối tượng khách hàng như doanh nghiệp nhỏ và vừa, giải pháp theo ngành với từng nhóm, phân khúc riêng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

“ACB cũng sẽ có khoảng 5.000 tỷ đồng để tài trợ vốn cho các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh trong các tháng tới, phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu”, ông Long cho biết thêm.

Để gia tăng hiệu quả, khơi thông dòng vốn tín dụng từ chương trình kết nối, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết trong 9 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Công Thương, HUBA và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức 31 hội nghị đối thoại, ký kết cho vay vốn. Trong đó, đã ký kết cho vay vốn trực tiếp tại hội nghị với tổng số tiền hơn 58.100 tỷ đồng cho 4.495 khách hàng doanh nghiệp và hộ sản xuất - kinh doanh. Thông qua chương trình đối thoại, ngành ngân hàng đã phổ biến thông tin chính sách, tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng về vốn và dịch vụ ngân hàng, với tổng số trên 6.000 lượt doanh nghiệp tham gia.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy hiện có 30/45 tổ chức tín dụng đăng ký các gói tín dụng mới và giảm lãi suất, dự kiến giảm từ 0,5 - 2 điểm % so với lãi suất cho vay thông thường.