Doanh nghiệp và người tiêu dùng chung tay “Tiêu dùng xanh – Cùng sống lành”
Tiêu dùng xanh là một xu thế phát triển trong thời gian vừa qua và được dự báo tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Do đó sản xuất xanh sẽ giúp các doanh nghiệp đón đầu xu hướng, tạo ra sự tăng trưởng đáng kể cho kết quả kinh doanh...
Sáng 21/7, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại. Sự kiện do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030.
Với chủ đề Tiêu dùng xanh – Cùng sống lành, sự kiện diễn ra tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long, với các hoạt động như triển lãm với hơn 30 gian hàng, quy tụ hơn 20 doanh nghiệp, đơn vị đến từ trong và ngoài nước. Dự kiến, sự kiện thu hút khoảng 25.000 lượt người tham quan.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó quy định nhiều nội dung liên quan đến sản xuất tiêu dùng bền vững. Đây là lần đầu tiên văn bản luật của Việt Nam đưa ra định nghĩa về tiêu dùng bền vững, khẳng định tầm quan trọng của tiêu dùng bền vững đối với các mục tiêu phát triển của đất nước. Các quy định này sẽ là căn cứ pháp lý để thúc đẩy, tạo điều kiện khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.
"Nằm trong khuôn khổ hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2023, hôm nay Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phối hợp đài Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức triển lãm Tiêu dùng xanh - Cùng sống lành. Đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tăng cường kết nối kinh doanh, người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm thực tiễn các sản phẩm tiêu dùng bền vững. Và các cơ quan quản lý, các tổ chức, các hiệp hội có sự trao đổi, chia sẻ, đề xuất các giải pháp sáng kiến để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững", ông Dũng phát biểu.
Về phía thành phố Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong thời gian qua Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Đến nay, Chương trình đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, thành phố Hà Nội tập trung hỗ trợ các đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, điện – điện tử... với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.
Là đơn vị đồng hành cùng Ủy Ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện chuỗi sự kiện, bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư miền Bắc, Tập đoàn Central Retail chia sẻ, "Triển lãm Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại là hoạt động ý nghĩa để định hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng hướng đến mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng, người tiêu dùng khi thăm quan và mua sắm tại các siêu thị của chúng tôi sẽ quan tâm, ủng hộ và tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ Tiêu dùng xanh, Cùng sống lành”.
Theo khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết “xanh” và “sạch”, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Để cạnh tranh, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và “sạch”, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.
Sự chỉ đạo của các Bộ, ban, ngành và sự tích cực của các doanh nghiệp đã góp phần tích cực, thúc đẩy “tiêu dùng xanh”, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi nylon sinh thái và 3R (Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế). Tuy nhiên, phần lớn mới chỉ dừng lại ở những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động hẹp, chưa có tính phổ biến và tính bền vững. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh truyền thông hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc sản xuất, tiêu dùng bền vững là điều bức thiết hiện nay.